AnhCác cầu thủ do Man City tự đào tạo đang thi đấu cho đội một và nhiều CLB khác trên khắp châu Âu.
Đầu mùa này, Man City liên tục đối mặt những cầu thủ từng là sản phẩm đào tạo của họ. Như, Jadon Sancho trong trận tranh Siêu Cup Anh với Man Utd, Cole Palmer và Romeo Lavia trong trận ra quân Ngoại hạng Anh với Chelsea hay Liam Delap trong trận tiếp Ipswich Town.
Các cựu “măng non” của Man City cũng thi đấu cho nhiều đội bóng khác trên khắp châu Âu, điển hình là Brahim Diaz vừa giành Champions League, La Liga và Siêu Cup châu Âu trong màu áo Real Madrid; Jeremie Frimpong giúp Leverkusen vô địch Bundesliga; Jamie Gittens giúp Dortmund vào chung kết Champions League. Ngoài ra, còn có năm người tại Southampton, hai tại Wolves, một tại Juventus và Aston Villa.
Điểm chung của họ là từng chơi cho đội trẻ cao cấp của Man City, vốn nằm giữa học viện và đội một. Đội này được thành lập năm 2012, có nhiệm vụ cung cấp cầu thủ cho đội một hoặc bán kiếm lời.
Từ khi HLV Pep Guardiola đến vào năm 2016, Man City đã kiếm được khoảng 650 triệu USD từ đội trẻ cao cấp. Họ cũng giành liên tục ba chức vô địch Ngoại hạng Anh 2, giải đấu dành cho các đội trẻ hàng đầu xứ sương mù.
Ngoài ra, đội này còn góp bốn cầu thủ đang chơi cho đội một gồm: Phil Foden, Rico Lewis, Oscar Bobb và James McAtee. Số này, đặc biệt là Foden, đã đóng góp ít nhiều vào kỷ lục giành liên tục bốn Ngoại hạng Anh.
Đội trẻ cao cấp của Man City bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2020, khi HLV Enzo Maresca bắt đầu làm việc. Lúc đó, Maresca quyết định đưa đội trẻ vượt ra khỏi quy mô học viện, giúp họ tiến gần hơn đến việc trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp cao cấp, hoặc thành viên của đội một. Sau đó, các cầu thủ nỗ lực cải thiện để giành chiến thắng nhiều hơn. Maresca hiện dẫn dắt Chelsea.
Man City cũng rèn luyện các cầu thủ trẻ bằng cách cho lên tập với đội một. HLV Guardiola đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển này. Ông khuyến khích các cầu thủ tự khám phá bản thân, chú ý đến từng chi tiết, kiên nhẫn trong việc cải thiện kỹ thuật, nhưng cũng khắt khe khi phát hiện vấn đề về tinh thần hay nỗ lực.
“Đó thực sự là một môi trường độc đáo”, cựu HLV Brian Barry-Murphy nói. “Các cầu thủ trẻ được tập với HLV đội một và những cầu thủ hàng đầu thế giới mỗi ngày. Họ đều đạt đến trình độ mà họ có thể”.
Điểm cốt lõi khác trong cách đào tạo của Man City là áp dụng công thức của La Masia, học viện từng sản sinh Lionel Messi, Xavi và Andres Iniesta cho Barca. Năm 2012, cựu giám đốc thể thao của Barca, Txiki Begiristain đến Man City làm Giám đốc bóng đá. Sau đó, ông phát triển đội một và đội trẻ dựa trên sơ đồ chiến thuật 4-3-3 của đội bóng cũ. Ba vị trí trọng tâm là tiền vệ phòng ngự và hai cầu thủ chạy cánh.
Sau khi Guardiola, một cựu thành viên khác của Barca, gia nhập, Man City tiến xa hơn. Nhiều cầu thủ chạy cánh nhanh chóng trưởng thành từ đội trẻ, như Foden, Palmer hay Lewis.
Những năm gần đây, Man City mua nhiều cầu thủ trẻ từ bên ngoài. Do đó, các sản phẩm “cây nhà lá vườn” không có nhiều cơ hội thi đấu. Tuy nhiên, họ vẫn có thể tỏa sáng nếu chấp nhận tới một CLB khác. “Các cầu thủ khá rõ ràng rằng cơ hội thăng tiến tại CLB là khá nhỏ”, Barry-Murphy nói thêm. “Nhưng họ được bật đèn xanh và được giáo dục rằng càng tiếp xúc nhiều với Pep và đội một, họ sẽ càng tiến bộ. Bằng chứng nằm ở chất lượng của các cầu thủ và CLB mà họ chuyển đến”.
Thanh Quý (theo Sky Sports)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/vi-sao-man-city-co-nhieu-cau-thu-tre-xuat-sac-4789328.html