Sau 25 năm gắn bó, tiền đạo lão tướng Thomas Muller sẽ rời Bayern Munich hè này. Điều đó sẽ để lại khoảng trống mà khó cầu thủ nào khác có thể lấp đầy vì lối chơi hoàn toàn khác biệt của anh.
Bộ sưu tập danh hiệu của Muller cùng Bayern. Ảnh: FC Bayern
Trong bài viết tri ân Thomas Muller, trang chủ Bayern mô tả: “Muller chưa bao giờ là người nhanh nhất, sở hữu đôi chân khéo nhất hay rê bóng bỏ lại các đối thủ với những cú đảo chân. Ấy vậy mà bộ sưu tập danh hiệu của anh lại chật kín”.
Đến cả Hermann Gerland – HLV từng phát hiện ra Muller thời còn là cầu thủ nhí – cũng khẳng định: “Chẳng ai có thể đoán trước được sự nghiệp của Thomas. Nếu một ai đó đứng lên tuyên bố dõng dạc ‘Tôi biết trước rồi’, đó là kẻ dối trá”.
Đó là nghịch lý thú vị của Muller, khi sở hữu bộ danh hiệu mà mọi cầu thủ đều khao khát, từng vô địch World Cup, hai lần giành cú ăn ba, là cầu thủ người Đức có nhiều danh hiệu nhất…, nhưng lại không có vẻ gì của một siêu sao bóng đá như bảng thành tích của anh. Ở ngoài sân cỏ, anh như cậu học sinh tinh nghịch với những trò đùa, câu chuyện cười. Trên sân, lối chơi của anh ít hào nhoáng, bắt mắt so với các đồng đội đã đến và đi trong 25 năm gắn bó với Bayern.
Nhưng không phải ngẫu nhiên những HLV hàng đầu thế giới đều đánh giá cao Muller – người tạo ra một vị trí chiến thuật mới.
“Raumdeuter” đầu tiên
Tháng 1/2011, Muller thực hiện cuộc phỏng vấn với nhà báo Andreas Burkert. Lúc này, anh đã được biết đến rộng rãi khi trở thành Vua phá lưới và Cầu thủ trẻ hay nhất World Cup 2010. Nhưng truyền thông vẫn gặp khó trong việc định nghĩa lối chơi, vị trí trên sân của cầu thủ này.
Burkert đặt câu hỏi: “Thật khó để so sánh phong cách của anh với một cầu thủ khác. Anh có biết ví dụ nào không?”.
Muller trả lời: “Không. Tôi nghĩ mình có lẽ là độc nhất. Có những chân chạy sở hữu một số điểm tương đồng với tôi, và một số tiền đạo nữa. Nhưng xem nào, tôi là gì nhỉ? Một Raumdeuter? Phải rồi, tôi là một kẻ giải mã những khoảng trống. Đó sẽ là một tiêu đề hay đấy chứ nhỉ, phải không?”.
Trong tiếng Đức, Raum có nghĩa là “Không gian”, còn Deuter là “Người diễn giải”.
Và như thế, cụm từ ghép “Raumdeuter” do Muller ngẫu hứng đặt ra chính thức được đưa vào từ điển bóng đá, bên cạnh những thuật ngữ Regista, Trequartista, Mezzala hay Carrilero… mà người ta đã thuộc nằm lòng. Sau cuộc phỏng vấn của Muller, cụm từ này thậm chí còn được đưa vào tựa game mô phỏng chiến thuật đình đám Football Manager với mô tả “một cầu thủ có xu hướng di chuyển vào những khoảng trống tưởng như vô hại ở hai biên, chờ đợi cơ hội để bất ngờ xâm nhập vào vòng cấm để dứt điểm hoặc tạo cơ hội ghi bàn. Rất khó kèm cầu thủ này bởi anh ta sẽ thường xuyên rời khỏi vị trí được giao để tìm kiếm cơ hội”.
Ở thời đại mà mọi kiến thức, chiến thuật bóng đá tưởng như đã được khai phá, Muller vẫn khai sinh một vị trí chiến thuật mới. Anh luôn được xem như “Raumdeuter” đầu tiên, và có thể là cuối cùng, vì không dễ để tìm một cầu thủ tấn công với IQ bóng đá tương tự.
Muller – cực phẩm duy nhất của Bayern
Bayern làm video tri ân, điểm lại hành trình 25 năm gắn bó của Muller.
Người thầy Heiko Vogel tại Học viện Bayern khẳng định Muller là một trong những cầu thủ thông minh nhất từng gặp. Ông kể: “Khi Thomas lên đội U15, tôi là HLV của cậu ấy. Triết lý tại Bayern là để các cầu thủ trẻ đương đầu với những đội lớn tuổi hơn, như đội U17. Việc này rất khó khăn, nhưng nó giúp lọc ra những cầu thủ nổi bật. Người được chọn không nhất thiết phải cực nhanh hay sở hữu tố chất thể thao vượt trội, mà phải có tư duy và bộ não bóng đá rất đặc biệt”.
Muller là một trong số đó, khi luôn có mặt đúng lúc, đúng chỗ trong cấm địa để dứt điểm hoặc chuyền như đặt cho đồng đội. Muller không rê bóng dính như Franck Ribery, cũng chẳng có tuyệt chiêu dốc bóng từ cánh phải rồi cứa lòng như đặt của Arjen Robben, nhưng vẫn là trụ cột không thể thiếu trong cú ăn ba 2013. Sau trận chung kết Champions League năm đó, Robert Lewandowski chuyển từ Dortmund sang Bayern, ghi 344 bàn cho “Hùm xám” trong 8 mùa giải, và 54 trong số đó được kiến tạo bởi Muller.
Sau khi đôi cánh “Robbery” rời đi, Muller làm quen với những đồng đội mới thuộc thế hệ sau như Serge Gnabry, Kingsley Coman, Leroy Sane hay Michael Olise. Đối tác ăn ý Lewandowski cũng chuyển sang Barca, và được thay thế bởi trung phong Harry Kane. Tuổi tác và phong độ dần ảnh hưởng tới phong độ Muller, khiến anh phải ngồi dự bị nhiều hơn.
Nhưng qua mỗi lần được ra sân, Muller vẫn cho thấy sự nhiệt huyết và khả năng đọc trận đấu ít ai bì kịp. Như ở trận tứ kết lượt đi Champions League tiếp Inter Milan mùa này, Muller vào thay Sane phút 74 khi tỷ số là 1-0 nghiêng về đội khách. Chỉ sau 11 phút, chính anh cân bằng tỷ số bằng pha đệm cận thành trong tư thế không bị ai kèm. Đó là một pha bóng đậm chất Muller: đơn giản và hiệu quả tối đa trong khâu chọn vị trí để dứt điểm.
Khó có Thomas Muller thứ hai
Trong 25 năm tại Bayern, Muller đã thụ giáo nhiều HLV, và nhiều người trong đó thuộc hạng hay nhất lịch sử. Ở tuổi 18, anh được huyền thoại Jurgen Klinsmann gọi lên đội một. Ban đầu, Muller thậm chí còn chẳng nghe điện và chỉ đến khi nghe hộp thư thoại mới biết người gọi là Klinsmann.
Klinsmann (phải) làm việc với Muller trên sân tập Bayern mùa 2008-2009. Ảnh: imago
Dù Klinsmann cho Muller cơ hội lần đầu lên đội một mùa 2008-09, Louis Van Gaal mới là HLV ảnh hưởng nhất giai đoạn đầu sự nghiệp nhà nghề của anh. Klinsmann xem Muller quá trẻ để chơi thường xuyên ở đội một, nên mùa đó anh chủ yếu chơi ở đội dự bị. Chỉ khi Van Gaal đến mùa 2009-2010, chàng trai mới có 28 phút thi đấu chuyên nghiệp và đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý bị đem cho mượn mới được tin tưởng tuyệt đối.
Van Gaal từng tuyên bố thẳng thừng: “Dù Ribery, Robben có lành lặn, Muller vẫn sẽ luôn có mặt trong đội hình của tôi”. Bản thân Muller cũng ghi nhận dấu ấn ông thầy người Hà Lan khi trả lời tờ Goal năm 2016. “Với các cầu thủ, thật khó để nói về các HLV khi chúng tôi còn chơi bóng. Nhưng người ảnh hưởng lớn nhất tới tôi là Louis van Gaal, bởi ông ấy đến vào thời điểm tốt nhất để gây ảnh hưởng với tôi”, anh kể.
Sau Van Gaal, Muller có dịp làm việc cùng những nhà cầm quân bậc thầy như Jupp Heynckes, Pep Guardiola và Carlo Ancelotti. Ba người với những phong cách khác nhau, nhưng đều dành những lời có cánh cho Muller. Năm 2020, Heynckes từng tuyên bố trên tạp chí DFL rằng “Muller là cầu thủ phi thường nhất lịch sử bóng đá Đức, cùng với Gerd Muller vĩ đại”. Năm 2004, Guardiola khẳng định “chưa từng huấn luyện một cầu thủ nào giống Muller – người đặc biệt không chỉ bởi các danh hiệu mà còn vì cách cậu ấy tập trung tối đa khi đội bóng cần”.
HLV người Catalonia cũng bênh vực học trò trước những luận điểm rằng Muller không được đánh giá đúng. Guardiola nói: “Mọi người yêu bóng đá đều biết cậu ấy quan trọng thế nào trên sân. Cậu ấy rất thông minh, không thể đoán trước và luôn biết cần có mặt ở đâu”. Ancelotti thì nhận xét trên ESPN: “Chúng ta luôn trông đợi các tiền đạo phải vượt trội về thể chất, kỹ thuật hoặc sự sáng tạo. Nhưng thế mạnh của Muller lại nằm ở chiến thuật, ở khả năng đọc trận đấu và lấp đầy khoảng trống vào đúng thời điểm”.
Muller ghi bàn trong trận Bayern thắng Barca 8-2 ở tứ kết Champions League ngày 14/8/2020. Ảnh: UEFA
Sự nghiệp đỉnh cao của Muller tại Bayern cũng có nhiều lúc không êm đẹp, như khi anh bắt đầu ngồi dự bị dưới thời Ancelotti và tiếp tục như thế trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của Niko Kovac. Nhưng khi Hansi Flick – một người từng làm việc lâu năm trên tuyển Đức của Joachim Low và quá hiểu Muller – lên thay Kovac, mọi thứ trở lại đúng quỹ đạo. Dưới trướng Flick, Bayern giành cú ăn ba mùa 2019-2020. Trận đấu đáng nhớ nhất mùa đó là màn hủy diệt Barca với tỷ số 8-2 tại Champions League, nơi Muller ghi hai bàn, kiến tạo một lần và nhận giải Cầu thủ hay nhất trận.
Khi được yêu cầu nhận xét về Muller, Flick đánh giá: “Bạn không phải lúc nào cũng nắm bắt được phong cách chơi của cậu ấy, và cũng chẳng thể đo đếm chính xác những gì cậu ấy mang lại cho đội bóng và cho CLB. Cậu ấy luôn tích cực, tràn đầy năng lượng như một chàng trai 18 tuổi và truyền động lực cho tất cả các cầu thủ. Bạn chỉ có thể ngả mũ trước những gì cậu ấy đã đạt được trong sự nghiệp. Sẽ không bao giờ có ai giống như cậu ấy nữa”.
Dự báo của Flick chính là thực tại Bayern sắp đối mặt. Sau 750 trận, 33 danh hiệu lớn nhỏ, 248 bàn và 222 kiến tạo… Muller đã nói lời tạm biệt sân Allianz Arena. Những con số kỳ vĩ trên cũng không đủ nói hết giá trị, tầm ảnh hưởng của anh tại Bayern. Từ một cậu bé trưởng thành từ học viện thành người cận vệ già níu giữ linh hồn xứ Bavaria trên hàng công, hành trình của Muller là giấc mơ truyền cảm hứng cho những thế hệ sau. Một cầu thủ luôn tươi cười ngoài sân, chia vui với đồng đội thay vì chạy tới ống kính truyền hình và tạo nên khác biệt trong kỷ nguyên đề cao thể chất bằng khối óc.
Không khó để tìm kiếm những người mang tên Thomas Muller ở các quốc gia nói tiếng Đức. Chỉ riêng trong danh sách hội viên Bayern đã có tới 90 người tên như vậy. Nhưng Muller với số 25 trên lưng áo, luôn có mặt đúng lúc đúng chỗ trên sân với nhiệt huyết của tuổi đôi mươi, sẽ chỉ có một trên đời.
Thịnh Joey
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thomas-muller-nguoi-giai-ma-khong-gian-doc-nhat-cua-bayern-4884725.html