Kỷ lục 100m tồn tại hơn 15 năm qua của huyền thoại Usain Bolt có thể bị phá vỡ khi đường chạy “thông minh” đầu tiên được nghiên cứu và phát triển.
Công ty công nghệ thể thao Feldspar Sport phát triển đường chạy đặc biệt gần Cambridge, thành phố trung tâm hành chính của Cambridgeshire, miền đông nước Anh.
Các cảm biến trên đường chạy kỹ thuật số này cung cấp dữ liệu theo thời gian thực cho HLV và VĐV. Công nghệ này thậm chí có thể cung cấp số liệu thống kê cho người hâm mộ trong các sự kiện.
Bolt lập kỷ lục thế giới chạy 100m ở giải vô địch điền kinh thế giới 2009 tại Berlin. Ảnh: Reuters
Các nhà nghiên cứu tin rằng “siêu đường chạy” này thậm chí có thể cho phép một VĐV chạy 100m trong vòng chưa đầy 9 giây. Đường chạy này mang lại cho VĐV mức hoàn trả năng lượng cao hơn 20% so với các bề mặt hiện được sử dụng ở cấp độ ưu tú.
Trên tờ The Telegraph, Alvina Chen, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Feldspar, cho biết giày chạy, phương pháp huấn luyện và dinh dưỡng trong môn điền kinh phát triển rất nhiều. Nhưng chỉ một điều gần như không thay đổi đó là bề mặt đường chạy. Ông cho rằng đã không có sự thay đổi nào về bề mặt đường chạy trong khoảng 60 năm, kể từ Thế vận hội 1968.
“Chúng tôi tin rằng mình đang tạo ra bước tiến lớn đầu tiên”, Chen nói. “Với siêu đường chạy này, chúng tôi dự đoán nó sẽ giúp VĐV đạt hiệu suất cao hơn 20% so với đường chạy tại Thế vận hội Paris, tùy thuộc vào khả năng của VĐV và điều kiện bên ngoài. Tầm nhìn của chúng tôi là biến đường chạy này trở thành tiêu chuẩn toàn cầu. Chúng tôi có bề mặt chạy nhanh nhất thế giới”.
Dự án này cũng nhận được sự ủng hộ của Darren Campbell, người đứng đầu bộ môn chạy nước rút và chạy tiếp sức tại Liên đoàn điền kinh Anh. Campbell cũng là Giám đốc chiến lược Đường chạy Toàn cầu của Feldspar, với nhiệm vụ giám sát việc phát triển và thử nghiệm đường chạy hiệu suất cao được trang bị cảm biến tiên tiến của công ty.
Campbell là VĐV nước rút từng giành HC vàng Olympic tiếp sức 4x100m tại Thế vận hội Athens 2004.
“Bạn có thể chạy trốn khỏi công nghệ và ở lại thời kỳ đen tối, hoặc bạn có thể đón nhận sự thay đổi”, ông nói. “Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mà công nghệ đi đầu trong mọi môn thể thao. Khi bạn bắt đầu cố gắng thu hút mọi người vào điền kinh, bạn sẽ phải giáo dục và đưa họ vào cuộc hành trình”.
Campbell cũng so sánh điền kinh với môn đua xe F1. “Tôi luôn xem Công thức 1, nhưng giờ tôi có thể thấy việc ai đó tham gia dễ dàng hơn như thế nào vì có rất nhiều dữ liệu”, ông cho biết. “Một trong những môn thể thao duy nhất mà tôi từng hỏi, ‘Công nghệ ở đâu?’ là điền kinh. Lần cuối cùng chúng ta có một hình thức công nghệ nào đó không phải là giày là khi nào? Đây là sự đổi mới mà tôi cảm thấy điền kinh đã chờ đợi. Bỗng nhiên, chạy 100m dưới 9 giây không còn là điều viển vông”.
Gatlin quỳ gối thể hiện sự kính phục dù vừa đánh bại Bolt ở giải VĐTG 2017 tại London, giải đấu lớn cuối cùng trước khi “Tia chớp Jamaica” giải nghệ. Ảnh: AP
Ở cự ly 100m nam, Bolt đang giữ cả kỷ lục thế giới lẫn kỷ lục Olympic. Huyền thoại người Jamaica lập kỷ lục thế giới vào tháng 8/2009 tại Berlin với thành tích 9 giây 58, và lập kỷ lục Olympic tại London 2012 với thành tích 9 giây 63. Ngoài ra, anh hiện còn giữ kỷ lục thế giới ở nội dung 200m với 19 giây 19 tại Berlin 2009.
Với 11 HC vàng tại các giải vô địch thế giới và 8 HC vàng Olympic, Bolt là một trong những biểu tượng của thể thao, không riêng điền kinh hay chạy ngắn. Dù giải nghệ từ năm 2017, anh vẫn giữ danh hiệu là “người đàn ông nhanh nhất thế giới”.
Hồng Duy
Nguồn tin: https://vnexpress.net/sieu-duong-chay-de-doa-ky-luc-cua-usain-bolt-4868052.html