Tom Lockyer đã phải rời sân bằng cáng sau khi đổ gục xuống sân vì ngưng tim trong trận đấu giữa Luton và Bournemouth ở vòng 17 Premier League. Trước đó, trong trận chung kết play-off Championship mùa trước giữa Luton và Coventry, trung vệ người Anh cũng gặp phải sự cố tương tự.
Hiện Lockyer không gặp phải vấn đề nghiêm trọng tới tính mạng nhưng có thể đây là lần cuối cùng anh còn được chơi bóng đỉnh cao. Kết luận của lần trước là rung tâm nhĩ, lần này có thể Lockyer cũng vướng phải nguyên nhân tương tự.
Ngưng tim là tình trạng như thế nào?
Theo Tổ chức Tim mạch Anh (BHF), ngưng tim xảy ra khi trái tim đột ngột ngừng bơm máu. Do đó, máu sẽ không chảy đến các cơ quan quan trọng của cơ thể, trong đó có não bộ. Mạch của người bệnh vì thế sẽ ngừng đập, ngừng thở và bất tỉnh do mất ý thức.
Không giống với việc trụy tim hay đau tim, ngưng tim sẽ khiến quá trình bơm máu đi khắp cơ thể bị gián đoạn, cái kết là máu ngừng lưu thông. Tình trạng này không khiến máu bị tắc nghẽn trong tim.
BHF cho biết, một người bị ngưng tim sẽ tử vong nếu không được sơ cứu và điều trị kịp thời.
Khi một người bị ngưng tim, các bác sĩ sẽ phải xét nghiệm tất cả các bộ phận trên cơ thể có liên quan đến tim. Cấp bách nhất là sơ cứu, điều trị khẩn cho tim và não. Nó bao gồm việc chụp X-quang ngực, siêu âm tim và quét não để kiểm tra lưu lượng máu đến não.
Bệnh này có phổ biến với các cầu thủ trẻ không?
Ngưng tim đột ngột là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tử vong với các cầu thủ trẻ dù chuyện này rất hiếm khi xảy ra. Theo thống kê của bệnh viện Mayo Clinic, đơn vị hàng đầu tại Mỹ, tỉ lệ tử vong trung bình với các vận động viên trẻ mỗi năm là 1/50.000 hoặc 80.000.
Cardiac Risk in the Young (CRY) là tổ chức từ thiện nhân đạo giúp nâng cao nhận thức về tình trạng đột tử do tim ở trẻ, có trụ sở tại Anh. CRY cho biết, mỗi tuần ở Anh có 12 thanh niên khỏe mạnh (từ 35 tuổi trở xuống) tử vong về các bệnh liên quan tới tim mạch.
Còn theo BHF, trong quy mô dân số Anh nói chung, có hơn 30.000 ca ngưng tim ngoài bệnh viện mỗi năm, với tỷ lệ sống sót là dưới 10%.
Tình trạng ngưng tim trong bóng đá phổ biến như thế nào?
Vụ ngừng tim nổi tiếng nhất trong vài năm qua là khoảnh khắc tiền vệ Christian Eriksen của đội tuyển Đan Mạch ngã gục xuống sân trong trận đấu tại EURO 2020. Các bác sĩ khi đó đã lo về việc cựu tiền vệ Inter ra đi vĩnh viễn vì ngay lúc đó, trái tim của anh đã ngừng đập.
Sau đó, Eriksen đã hồi phục nhưng phải gắn trên người một máy khử rung tim ICD. Anh buộc phải rời Inter vì quy định của Serie A không cho phép các cầu thủ thi đấu với ICD trên người.
Trong bóng đá, rất nhiều cầu thủ đã bị ngưng tim nhưng không phải ai cũng may mắn còn sống và tiếp tục đá bóng được như Eriksen. Một người khác may mắn tương tự như tiền vệ của Manchester United là Fabrice Muamba (đá cho Bolton) vào năm 2012. Muamba sau đó được cứu sống nhưng vĩnh viễn phải rời xa bóng đá đỉnh cao.
Một số trường hợp khác không may mắn là Miklos Feher (Benfica, 2004), Antonio Puerta (Sevilla, 2007), Dani Jarque (Espanyol, 2009) và Davide Astori (Fiorentina, 2018).
FA đã có những hành động gì để chung tay xử lý vấn đề này?
Liên đoàn bóng đá Anh đã mở hẳn một khóa học và cung cấp các bộ tài liệu về việc xử lý tình trạng cầu thủ bị ngưng tim trên sân. Trong khi đó, CRY sẽ cung cấp các buổi xét nghiệm miễn phí cho ngươi từ 14 – 35 tuổi đủ điều kiện về chính sách.