Patrick Tiernan, VĐV Australia từng ba lần dự Thế vận hội, cho rằng các elite phải thay đổi cách tập luyện để thích nghi với những đôi giày chạy bộ công nghệ cao.
Tiernan, dự Boston Marathon 2025 ngày 21/4 với đôi giày chạy bộ công nghệ cao mới nhất của Puma. Anh cán đích thứ 11 với 2 giờ 8 phút 8 giây. Trước khi dự giải, runner người Australia cho rằng việc sử dụng giày “siêu giày” không chỉ đơn giản là “xỏ chân vào” và phá kỷ lục.
“Lý do mọi người có thể chạy nhanh trong marathon hiện nay không phải vì họ tập luyện giống như trước đây rồi xỏ giày vào chạy, mà là vì họ mang những đôi giày này khi tập luyện, giúp họ đạt hiệu quả cao hơn và phục hồi nhanh hơn sau mỗi buổi tập”, Tiernan chia sẻ với Wide World of Sports.
VĐV từng ba lần tham dự Olympic nhấn mạnh “siêu giày” có tác dụng tích lũy dần dần, chứ không phải chỉ là sản phẩm hỗ trợ chỉ được các elite dùng một lần. “Nếu muốn cạnh tranh hiện nay, bạn phải thích ứng với công nghệ giày, nắm bắt và tìm hiểu cách nó hoạt động”, anh nói.
Patrick Tiernan tập luyện với đôi Puma Fast-R Nitro Elite 3. Ảnh: Puma
Năm 2016, Nike “khởi động” cuộc chiến giày chạy bộ công nghệ cao trị giá hàng tỷ USD khi ra mắt Zoom Vaporfly 4%. Một số mẫu giày mới nhất hiện nay gồm Nike Vaporfly 4, Adizero Adios Pro 4 và Saucony Endorphin Elite 2.
Kỷ lục marathon nam của Australia do Robert de Castella lập tại Boston Marathon năm 1986, với thời gian 2 giờ 7 phút 51 giây, tồn tại đến tháng 12/2022. Những năm qua, kỷ lục này hai lần bị phá sâu, bởi Brett Robinson (2 giờ 7 phút 31 giây) và Andy Buchanan (2 giờ 6 phút 22 giây) – những người đều sử dụng “siêu giày”.
Những tranh cãi về “siêu giày” bùng nổ khi runner người Ethiopia Tigst Assefa hoàn thành Berlin Marathon 2023 với thời gian 2 giờ 11 giờ 53 giây, phá kỷ lục thế giới marathon nữ tới 2 phút 11 giây, với đôi Adidas Adizero Adios Pro Evo 1.
Nhìn chung, giày chạy bộ công nghệ cao có tấm sợi carbon và lớp bọt đàn hồi, giúp các runner đạt thành tích tốt hơn. Bình luận viên điền kinh Tim Hutchings, từng chạy 5.000m cho Vương quốc Anh tại Olympic Los Angeles 1984, cho rằng sự khác biệt lớn do công nghệ giày tạo ra đã khiến việc lập kỷ lục trở nên “mất giá”.
HLV của Brett Robinson, đồng thời là quản lý của Buchanan và Tiernan, Nic Bideau, thừa nhận giày chạy bộ công nghệ cao đã giúp VĐV marathon nhanh hơn khoảng ba phút trên quãng đường 42km.
Patrick Tiernan sử dụng “siêu giày” Puma Fast-R Nitro Elite 3 trong quá trình chuẩn bị cho Boston Marathon 2025. Ảnh: Puma
Tiernan hiểu những tranh cãi, nhưng cho rằng các elite hiện nay phải tập luyện nhiều hơn trong phòng gym do thiết kế của các “siêu giày”. Anh cũng cho rằng “siêu giày” giúp việc chạy marathon ít tốn sức hơn, từ đó giúp môn thể thao này cạnh tranh, hấp dẫn hơn.
“Mọi người có thể nghĩ rằng ai đó đang đi đường tắt, nhưng thực tế là nếu bạn làm đúng cách, bạn không hề đi đường tắt; bạn thực sự đang nỗ lực hơn để đạt được mục tiêu. Tôi hiểu những người hoài nghi, nhưng bạn không thể chỉ xỏ giày vào và chạy nhanh hơn ngay lập tức. Thực tế là có rất nhiều công sức phía sau. Bạn phải tập luyện những phần mà trước đây bạn không cần phải làm với những đôi giày khác”, VĐV Australia cho biết.
Hồng Duy
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ngoi-sao-duong-chay-australia-khong-phai-cu-di-sieu-giay-la-lap-ky-luc-4876946.html