Sử dụng đồ uống có cồn quá nhiều có thể gây ra hiện tượng mất nước, vấn đề tim mạch, cơ bắp và quá trình phục hồi của các runner.
Mất nước
Mất nước là hậu quả của việc uống quá nhiều rượu. Thực tế, nó có thể làm giảm 3% trọng lượng cơ thể (tính theo chất lỏng) trong vòng bốn giờ sau khi tiêu thụ, và đây có thể là vấn đề thực sự trong điều kiện nóng bức.
Hoạt động chạy bộ cũng sẽ làm cơ thể mất nước. Thận phải làm việc nhiều hơn thường lệ khi bạn uống rượu. Và khi kết hợp với lượng mồ hôi toát ra khi chạy, cơ thể bạn sẽ sẽ dễ bị kiệt sức.
Nếu bị mất nước, bạn sẽ dễ bị mệt mỏi, chuột rút và căng cơ. Để tránh mất nước, bạn nên uống 235ml nước cho mỗi cốc bia hoặc ly rượu mà bạn tiêu thụ.
Thèm đường
Khi chạy bộ thường xuyên, bạn thực sự cần lượng đường trong máu ổn định. Nhưng chúng có thể bị ảnh hưởng bởi việc uống quá nhiều rượu bia và kết quả là bạn bắt đầu thèm đồ ăn vặt. Lý do là gan đang gặp khó khăn trong việc sản xuất lượng glucose cần thiết và khiến bạn thèm socola, đồ ngọt.
Béo bụng
Đồ uống có cồn không chứa bất kỳ lợi ích dinh dưỡng nào, nhưng vẫn có 7 calo mỗi gram. Và lượng calo đó sẽ được lưu trữ trong cơ thể dưới dạng mỡ, thường tích tụ quanh vùng bụng. Điều đó có nghĩa là bụng bạn sẽ to nếu tiêu thụ quá nhiều đồ uống có cồn. Với các runner, trọng lượng cơ thể lớn có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên hệ cơ – xương, khớp.
Các vấn đề về giấc ngủ
Nếu bạn uống quá nhiều và bị say, bạn sẽ rơi vào giấc ngủ nhanh chóng, nhưng giấc ngủ sẽ kém chất lượng. Bạn có thể thức dậy nhiều lần trong đêm, không có giấc ngủ sâu và thời gian đủ để phục hồi. Ngoài ra, dư lượng cồn trong cơ thể giảm dần sau khi bạn uống, có thể dẫn đến việc bạn thức dậy sớm hơn dự kiến và không thể ngủ tiếp. Cả hai việc này đều không thốt cho cơ thể khi bạn thức dậy và bắt đầu bài tập.
Phản ứng chậm
Một trong số những tác động tiêu cực của đồ uống có cồn là thời gian phản ứng chậm hơn, điều khiến các runner dễ bị chấn thương hơn. Nếu kỹ thuật không đúng, bạn có thể bị chấn thương liên quan đến căng thẳng. Hoặc bạn có thể không phản ứng đủ nhanh để tránh chướng ngại vật trên đường, hoặc tệ hơn là không nhìn thấy.
Tăng nhịp tim
Nhịp tim và huyết áp đều tăng khi bạn sử dụng nhiều rượu bia hoặc các loại đồ uống có cồn. Điều này có thể đặc biệt khó khăn với những người có vấn đề tiềm ẩn về tim mạch nhưng vẫn tập luyện chăm chỉ bằng cách chạy bộ. Nguy cơ nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ trong lúc tập cũng sẽ tăng lên.
Vấn đề về cơ
Khi bạn chạy, các cơ bắp của bạn chịu tổn thương và cần protein để phục hồi và phát triển. Đồ uống có cồn tác động tiêu cực đến sự phát triển cơ bắp. Việc tiêu thụ quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến mức độ hormone nam giới, testosterone, xây dựng cơ bắp. Nó cũng cản trở quá trình tổng hợp protein – quá trình các axit amin kết hợp với nhau để tạo thành protein hoàn chỉnh – giúp tái tạo và xây dựng cơ bắp mới sau khi tập luyện.
Làm chậm quá trình phục hồi
Ảnh hưởng tiêu cực nhất của tiêu thụ đồ uống có cồn là làm chậm quá trình phục hồi do gây căng thẳng cho gan. Cơ quan đó giúp cơ thể phục hồi sau khi tập thể dục nhưng nó cũng giám sát lưu lượng máu. Vì lưu lượng máu tăng lên có thể xảy ra sau khi bạn uống rượu bia quá nhiều, nên nó tập trung vào việc cố gắng điều chỉnh lượng máu đó hơn là sự phục hồi của cơ thể.
Hồng Duy (theo Real Buzz)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/anh-huong-cua-do-uong-co-con-den-runner-4721208.html