Tình trạng axit uric quá cao có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy, việc xác định và kiểm tra chỉ số này rất quan trọng để chủ động phòng ngừa bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho biết, để kiểm tra nồng độ axit uric trong cơ thể, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số phương pháp xét nghiệm phổ biến.
Thứ nhất là phương pháp xét nghiệm nước tiểu. Người bệnh cần thu thập nước tiểu trong vòng 24 giờ vào hộp đựng, bảo quản trong tủ lạnh và gửi đến bác sĩ. Các trường hợp cần thực hiện xét nghiệm này bao gồm:
Người xuất hiện các triệu chứng của sỏi thận như đau dữ dội vùng bụng dưới, đau bên hông, háng hoặc lưng, có lẫn máu trong nước tiểu, thường xuyên muốn đi tiểu, không thể đi tiểu hoặc tiểu lắt nhắt, đau khi tiểu tiện, nước tiểu đục, có mùi hôi, buồn nôn, nôn mửa, sốt, ớn lạnh….
Người bệnh đang bị bệnh gout và bác sĩ yêu cầu theo dõi nguy cơ mắc bệnh sỏi thận.
Xét nghiệm máu cũng là phương pháp phổ biến. Bác sĩ lấy máu của người bệnh qua đường tĩnh mạch cánh tay. Sau đó, máu sẽ được thu vào lọ hoặc ống nghiệm. Lúc này, người bệnh có thể cảm thấy khó chịu nhưng triệu chứng sẽ nhanh chóng biến mất.
Xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ axit uric thường được chỉ định trong các trường hợp như xuất hiện triệu chứng bệnh gout ở ngón chân cái, mắt cá chân, đầu gối như đau nhức, sưng tấy, đỏ… Người bệnh đã hoặc đang điều trị ung thư.
Thông thường, người bệnh không cần bất kỳ sự chuẩn bị đặc biệt nào trước khi làm xét nghiệm máu. Tuy nhiên, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ nếu đang sử dụng hoặc muốn ngưng dùng các loại thuốc như: Aspirin (có thể ảnh hưởng đến nồng độ axit uric trong máu), Niacin (vitamin B-3)…