Hậu quả “tự làm bác sĩ”
TS.BS Nguyễn Quang Bảy – Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai – phải thốt lên trước một trường hợp tự chữa bệnh: “Các cụ dạy “sai một ly, đi vạn dặm” nhưng bệnh nhân sau đây thì đúng là câu chuyện chưa bao giờ chúng tôi nghĩ đến”.
Trường hợp bác sĩ Bảy nói là nam bệnh nhân (51 tuổi) mắc đái tháo đường 10 năm, phải cắt cụt 1 ngón chân do nhiễm trùng vào tháng 4.2024. Bệnh nhân được kê đơn 4 loại thuốc, bao gồm 2 mũi tiêm insulin, nhưng chỉ uống 1 loại, vì bệnh nhân cho rằng có bảo bối là một loại thuốc đái tháo đường tự chế rất hiệu nghiệm. Thuốc huyết áp cũng không dùng, nhưng rượu thì uống đủ 500ml/ngày.
Đợt này bệnh nhân bị dẫm phải đinh, sau đó bàn chân sưng phồng lên. Thay vì đi khám bác sĩ, bệnh nhân tự chích rạch chân và đắp thuốc lá. Sau 2 tuần thì mệt nhiều, sốt cao liên tục, nói lẫn và phải nhập viện trong tình trạng thiếu máu nặng, bàn chân nhiễm trùng nặng, chảy nhiều mủ thối và đã viêm xương, đường máu là 21,6 mmol/L.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng vừa cấp cứu cho bệnh nhân nam, 58 tuổi nhập viện trong tình trạng trên da nhiều tổn thương, sẩn đỏ, tổn thương dạng bia bắn, chỗ mụn nước, bọng nước vàng, tổn thương mảng đỏ vùng bụng, vị trí tay, chân, thân mình bong tróc da, ngứa nhiều, bụng cổ chướng mức độ vừa, tức bụng, phù 2 chi dưới.
Bệnh nhân có tiền sử bệnh khớp tự mua thuốc về nhà để điều trị. Sau khi sử dụng, người này thấy các triệu chứng mẩn ngứa khắp người nên đến một phòng khám tư nhân điều trị nhưng tình trạng không thuyên giảm. Ngược lại, các triệu chứng càng nặng hơn, mẩn ngứa tăng lên, sưng phù hai chi dưới, bụng căng tức phải lên bệnh viện tỉnh điều trị.
Cảnh báo không bao giờ muộn
Theo TS.BS Nguyễn Quang Bảy, các bệnh nhân đái tháo đường lưu ý khi phát hiện bất kỳ một tổn thương nào ở bàn chân thì cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội tiết ngay, để được kiểm soát toàn diện cả đường huyết, cấp máu đủ cho vết thương, cắt lọc dẫn lưu mủ và sử dụng kháng sinh phù hợp.
Nhiều người chủ quan thấy vết loét rất nhỏ nhưng sẽ bị lan rộng, khó liền và phải cắt cụt chân dù được dùng cả đống kháng sinh vì bỏ quên kiểm soát đường máu và/hoặc không giải quyết được tình trạng tắc hẹp động mạch chi dưới – là biến chứng khá phổ biến ở bệnh nhân đái tháo đường.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi gặp các vấn đề về sức khỏe nên cân nhắc thật kỹ khi lựa chọn việc điều trị như thế nào, cần tham khảo các thông tin chính thống, tự trang bị kiến thức cho bản thân đến khám bệnh và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Tránh nghe những lời giới thiệu hay thông tin không chính thống để rồi phải “tiền mất tật mang”.
Nguồn tin: https://laodong.vn/suc-khoe/tu-lam-bac-si-roi-ruoc-hoa-vao-than-1386576.ldo