Các nhà nghiên cứu gồm các chuyên gia từ Viện Ung thư Copenhagen (Đan Mạch), Viện Y tế cộng đồng và Nhiệt đới Thụy Sĩ, Trường Y Perelman tại Đại học Philadelphia (Mỹ) và khoa tim mạch thuộc Trung tâm Y khoa Đại học Mainz (Đức) đã phát hiện ra rằng, tiếng ồn giao thông tăng đột biến có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, bao gồm cả đau tim.
Nhóm nghiên cứu trên đã xem xét dữ liệu dịch tễ học, cung cấp bằng chứng để xác định các yếu tố rủi ro của một căn bệnh nhất định.
Trong bài đánh giá của mình, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ cho thấy cứ mỗi 10 decibel tiếng ồn (đơn vị đo độ ồn) từ giao thông đường bộ tăng lên thì nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, bao gồm đau tim, đột quỵ và tiểu đường cũng sẽ tăng 3,2%.
Đặc biệt, các nhà nghiên cứu cũng cho biết, tiếng ồn giao thông vào ban đêm sẽ làm gián đoạn và rút ngắn thời gian ngủ, có thể làm tăng mức độ hormone căng thẳng trong mạch máu, do đó thúc đẩy tình trạng viêm, huyết áp cao và các bệnh về mạch máu.
Thomas Münzel, Giáo sư cao cấp tại Trung tâm Y khoa Đại học Mainz, Đức – là tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y khoa Circulation Research (thuộc Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ) – khẳng định: “Điều quan trọng đối với chúng tôi trong quá trình nghiên cứu này là cuối cùng thì tiếng ồn giao thông cũng được công nhận là một yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch do có bằng chứng thuyết phục”.
Các nhà nghiên cứu cũng đề xuất các chiến lược cho chính quyền địa phương để giảm thiểu tiếng ồn từ giao thông đường bộ, đường sắt và hàng không.
Trong đó, việc dựng rào chắn tiếng ồn dọc theo những con đường đông đúc ở các khu vực đông dân cư có thể giảm đáng kể mức độ tiếng ồn lên tới 10 decibel.
Ông Thomas Münzel nói rằng, việc xây dựng đường bằng nhựa đường giảm tiếng ồn đã được chứng minh là có thể giảm mức độ tiếng ồn xuống 3-6 decibel.
Các chiến lược khác có thể thực hiện bao gồm hạn chế tốc độ lái xe và phát triển cũng như thúc đẩy việc sử dụng lốp xe phát ra ít tiếng ồn.
Ở cấp độ cá nhân, các nhà nghiên cứu khuyến nghị sử dụng xe đạp, phương tiện đi chung và phương tiện giao thông công cộng để giảm tiếng ồn từ giao thông đường bộ trong đô thị.
Để giảm tiếng ồn của máy bay, có thể áp dụng các chiến lược như tối ưu hóa và lập kế hoạch các tuyến đường hàng không bằng cách sử dụng GPS để hướng chúng ra khỏi các khu vực đông dân cư.
Các nhà nghiên cứu khuyên rằng, việc áp dụng lệnh cấm cất cánh và hạ cánh vào ban đêm có thể làm giảm đáng kể tiếng ồn của giao thông hàng không.
Việc bảo trì đường sắt thường xuyên, bao gồm nâng cấp phanh, cũng được đề xuất để giảm tiếng ồn của giao thông đường sắt.
Giáo sư Thomas Münzel nhận định: “Với tỷ lệ dân số tiếp xúc với tiếng ồn giao thông có hại ngày càng tăng, các nỗ lực kiểm soát tiếng ồn và luật giảm tiếng ồn có tầm quan trọng to lớn đối với sức khỏe cộng đồng trong tương lai”.
Nguồn tin: https://laodong.vn/suc-khoe/tieng-on-giao-thong-lam-tang-nguy-co-mac-benh-tim-mach-1385059.ldo