Xuất hiện dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người
Sau hơn 8 năm không ghi nhận ca mắc cúm gia cầm trên người, từ năm 2022 đến nay, Việt Nam ghi nhận 2 ca mắc mới, trong đó có 1 ca tử vong vào 23.3.2024 do cúm gia cầm là sinh viên 21 tuổi Trường Đại học Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà). Trước đó, vào năm 2022, ghi nhận bệnh nhân nữ, 5 tuổi, ở Phú Thọ dương tính với cúm gia cầm A/H5N1.
Trường hợp mắc cúm A/H5N1 tại Khánh Hòa vừa qua là trường hợp mắc thứ 2 kể từ năm 2014 sau nhiều năm “vắng bóng” không ghi nhận bệnh trên người tại Việt Nam. Tích lũy từ 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 người nhiễm cúm A/H5N1, trong đó có 65 người tử vong (chiếm tỉ lệ gần 51%).
Ngày 6.4.2024, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) xác nhận ca mắc cúm A/H9 đầu tiên tại Việt Nam là bệnh nhân nam, 37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Bệnh nhân hiện đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh. Theo kết quả điều tra dịch tễ, nơi bệnh nhân sinh sống thuộc khu chợ buôn bán gia cầm, đồng thời trước cửa nhà bệnh có buôn bán gia cầm…
Con người vẫn có thể bị lây nhiễm và mắc bệnh cúm gia cầm A/H9
Tại Việt Nam, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước, vì vậy, vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), năm 2023 cả nước có 21 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại 11 tỉnh, buộc tiêu hủy hơn 40.000 con gia cầm, giảm trên 60% so với năm 2022. Trong 3 tháng đầu năm 2024 có 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 6 tỉnh. Hiện nay, cả nước không có ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 chưa qua 21 ngày.
PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng – cho rằng: Trước đây có phát hiện virus cúm A/H9 lưu hành trên đàn gia cầm. Mặc dù Bộ NNPTNT cảnh báo đây là virus cúm gia cầm độc lực thấp thường gây triệu chứng nhẹ và không gây chết gia cầm hàng loạt. Tuy nhiên, con người vẫn có thể bị lây nhiễm và mắc bệnh cúm gia cầm A/H9 nếu tiếp xúc và sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhiễm bệnh.
“Cả hai trường hợp mắc cúm A/H5N1 và A/H9 xung quanh nhà đều có nuôi gia cầm, nhưng chưa ghi nhận gia cầm ốm, chết. Riêng với trường hợp tử vong do mắc cúm A/H5N1 là nam sinh viên trước đó có đi bắt chim hoang dã, trong nhà có nuôi chim.
Theo ông Phu, cúm A/H5N1 có thể lây từ chim hoang dã cho người hoặc lây cho gia cầm rồi gây các ổ dịch ở gia cầm và lây từ gia cầm sang người… nên trường hợp này chưa thấy ổ dịch ở gia cầm nhưng có bằng chứng bệnh nhân tiếp xúc với chim hoang dã. Giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, gia tăng sự tương tác giữa các chủng virus cúm cùng với nguy cơ lây nhiễm sang các loài động vật có vú” – PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Bộ Y tế đề nghị giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương tổ chức điều tra nguồn lây và xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp mắc mới, sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế; chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn; sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch…