Thời hạn giấy phép hành nghề và quy định gia hạn
Gồm 12 chương và 121 điều, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 chính thức có hiệu lực từ 1.1.2024.
Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm đó chính là thời hạn của giấy phép hành nghề khám chữa bệnh.
Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người có đủ điều kiện hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật này.
Ngày 31.12, trao đổi với Lao Động, TS.LS Đặng Văn Cường (Đoàn LS TP Hà Nội) cho hay, căn cứ tại Điều 27 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định: Mỗi người hành nghề chỉ được cấp 1 giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc. Giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm.
Tại Điều 19 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định điều kiện để cá nhân được phép khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, cá nhân được phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Có giấy phép hành nghề đang còn hiệu lực; Đã đăng ký hành nghề, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật này;
Đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 21 của Luật này; Có đủ sức khỏe để hành nghề theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; Không thuộc trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.
Theo Điều 32 về gia hạn giấy phép hành nghề, việc gia hạn giấy phép hành nghề áp dụng đối với trường hợp giấy phép hành nghề hết hạn.
Điều kiện gia hạn giấy phép hành nghề đối với các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng và lương y bao gồm:
Đáp ứng yêu cầu về cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định tại Điều 22 của Luật này; Có đủ sức khỏe để hành nghề;
Phải thực hiện thủ tục gia hạn ít nhất 60 ngày trước thời điểm giấy phép hành nghề hết hạn, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;
Không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.
Các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
Theo Điều 20, các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đó là:
Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.
Đang trong thời gian thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.
Đang trong thời gian thử thách đối với người bị kết án phạt tù có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật nhưng được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Đang trong thời gian thi hành án phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Đang trong thời gian bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo bản án hình sự có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc bị hạn chế thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Những trường hợp người hành nghề được khám bệnh, chữa bệnh mà không phải đăng ký hành nghề
Theo Khoản 3 Điều 36, người hành nghề được khám bệnh, chữa bệnh mà không phải đăng ký hành nghề trong các trường hợp sau đây:
Hoạt động cấp cứu ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ cấp cứu viên ngoại viện.
Được cơ quan, người có thẩm quyền huy động, điều động tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp.
Khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt.
Khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình chuyển giao kỹ thuật chuyên môn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trong thời gian ngắn hạn.
Trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.