Bổ sung thêm chất xơ
Chất xơ có trong ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, lúa mì nguyên hạt, trái cây và rau quả… làm chậm tốc độ tiêu hóa. Điều này tạo ra sự giải phóng đường glucose đều đặn vào máu, giúp kiểm soát chỉ số đường huyết. Trong khi bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, bạn nên giảm bớt thực phẩm chế biến sẵn như bánh quy, bánh mì trắng…
Bữa ăn có đủ chất đạm
Protein kích thích giải phóng insulin, từ đó giúp kiểm soát chỉ số đường huyết trong máu. Vì vậy, đối với người có chỉ số đường huyết cao hoặc mắc bệnh tiểu đường, điều quan trọng là nên bổ sung đủ protein trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Ăn khẩu phần vừa phải
Bữa ăn lớn sẽ dẫn đến việc sản xuất quá nhiều đường glucose trong cơ thể. Ngoài việc làm tăng chỉ số đường huyết còn gây tăng cân mất kiểm soát. Người có chỉ số đường huyết cao hoặc mắc bệnh tiểu đường nên kiểm soát lượng thức ăn nạp vào cơ thể.
Ăn nhẹ lành mạnh
Đồ ăn nhẹ khá hữu ích trong việc kiềm chế cơn đói và giữ nồng độ đường huyết ổn định. Trái cây, các loại hạt… là một số lựa chọn ăn vặt lành mạnh và bổ dưỡng. Tuy nhiên, bạn nên hạn chế những thực phẩm đóng gói sẵn, vì chúng có ít chất dinh dưỡng thiết yếu và chứa nhiều calo.
Giữ thói quen lành mạnh một cách linh hoạt
Chế độ ăn kiêng dành cho người có chỉ số đường huyết cao hoặc mắc bệnh tiểu đường là sự thay đổi lối sống lâu dài và nên kết hợp nhiều loại thực phẩm lành mạnh với nhau. Bên cạnh đó, không nên cắt bỏ hoàn toàn đường và carbohydrate. Vì việc sử dụng đường sẽ giúp cơ thể cân bằng và duy trì ổn định lượng đường trong máu, tránh hạ đường huyết.