Tác hại của việc ngồi lâu trong toilet
Bệnh trĩ xảy ra ở khoảng 4,4% dân số trên toàn thế giới. Theo Bệnh viện Johns Hopkins Medicine (Hoa Kỳ), khoảng 50% số người mắc bệnh này ở tuổi 50. Bệnh này xảy ra khi các tĩnh mạch hoặc mạch máu trong và xung quanh ống hậu môn bị sưng hoặc viêm.
Nguyên nhân là do một số yếu tố, bao gồm thói quen ăn uống không lành mạnh và các vấn đề tiêu hóa từ trước của người bệnh, có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh trĩ.
TS. Uddhavesh Paithankar, bác sĩ tiêu hóa thuộc Bệnh viện Manipal (quận Gurugram, Bang Haryana, Ấn Độ) cảnh báo, trên thực tế, việc ngồi quá lâu trong nhà vệ sinh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
TS. Paithankar cho biết: Ngồi trong thời gian dài và mất quá nhiều sức khi đi vệ sinh sẽ làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch và khi thực hiện nhiều lần có thể sẽ dẫn đến bệnh trĩ.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Annali Italiani di Chirurgia đã tìm thấy mối tương quan chặt chẽ giữa việc ngồi vệ sinh kéo dài và bệnh trĩ.
Sau khi phân tích 52 bệnh nhân mắc bệnh trĩ không béo phì, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, một người đi vệ sinh càng lâu thì bệnh trĩ của họ có xu hướng càng nghiêm trọng.
Điều này cho thấy rằng việc thay đổi thói quen đi vệ sinh, như tránh ngồi trong thời gian dài, có thể giúp điều trị cũng như ngăn ngừa tình trạng này.
Biện pháp phòng ngừa
TS. Paithankar giải thích, một trong những bước quan trọng nhất trong điều trị bệnh trĩ là phải tránh táo bón (phân cứng).
“Phân cứng có thể dẫn đến chảy máu trực tràng hoặc rách hậu môn, gọi là nứt hậu môn. Ngoài ra, việc sử dụng sức quá nhiều để đi ngoài có thể làm bệnh trĩ trở nên trầm trọng hơn và làm tăng nguy cơ phát triển bệnh.
Để ngăn chặn sự phát triển của tình trạng đau đớn này, bạn có thể thực hiện một số bước sau: Ăn nhiều trái cây, rau củ và các thực phẩm khác có chất xơ. Ngoài ra, uống nhiều nước và các chất lỏng khác và cần hạn chế thực phẩm béo và rượu, hoạt động thể chất thường xuyên.
Lưu ý
Bệnh trĩ là căn bệnh mà ai cũng có thể mắc phải, mặc dù người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và những người có lối sống không lành mạnh có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn.
Điều quan trọng là tránh ăn thực phẩm chế biến sẵn, nhiều chất béo và bổ sung thực phẩm giàu chất xơ.
Ngoài ra, bạn cũng nên uống đủ nước và tập thể dục thường xuyên. Hoạt động này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc hạn chế rủi ro. Nếu vấn đề vẫn tiếp diễn, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.