Điểm nóng dịch sởi
Cả nước đang chuẩn bị bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học khiến nguy cơ trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Đặc biệt, dịch sởi đang nóng ở nhiều tỉnh thành.
Địa phương đang có dịch sởi là TPHCM. Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc, trong đó tại TPHCM ghi nhận hơn 500 ca mắc.
“Đặc biệt, mùa tựu trường đang đến gần, nguy cơ mắc sởi, lây truyền bệnh là rất lớn. Chủ yếu tỉ lệ nặng, tử vong nằm ở nhóm trẻ chưa được tiêm chủng. Vì vậy, Bộ Y tế phối hợp với WHO và UNICEF tổ chức chiến dịch tiêm chủng phòng sởi nhằm bao phủ vaccine cho trẻ, phòng tránh nguy cơ mắc bệnh và chuyển nặng”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng nêu rõ chiến dịch tiêm chủng sởi khác với kế hoạch tiêm bù, tiêm vét đã được thực hiện là đối tượng tiêm chủng được mở rộng. Cụ thể, trước đây chỉ tiêm cho trẻ 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, trong chiến dịch thêm này đối tượng tiêm chủng là trẻ từ 1 đến 10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Bộ Y tế đã đánh giá nguy cơ dịch theo bộ công cụ do WHO cung cấp và xác định 18 tỉnh, thành phố với khoảng 100 huyện nằm trong khu vực có nguy cơ. Bộ Y tế sẽ tiến hành tiêm vaccine sởi – rubella miễn phí cho các đối tượng này. Dự kiến sẽ tiêm từ tháng 9.2024. Bệnh sởi dễ lây lan nên tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất. Nếu tiêm đầy đủ cho người dân, đáp ứng tỉ lệ từ 95% sẽ tạo được miễn dịch cộng đồng.
Bộ Y tế đề nghị thời gian tới TP.HCM tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ kiểm soát dịch, khẩn trương tiêm vaccine an toàn hiệu quả, xử trí phản ứng sau tiêm. Chủ động tiêm cho những người ngoài đối tượng được đề cập trong chiến dịch của Bộ Y tế…
Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi bắt đầu từ ngày 31.8, xuyên suốt kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2.9. Giai đoạn 1 diễn ra từ ngày 3.8 đến ngày 4.9; kéo dài trong 1 tháng.
Giai đoạn 2 tiến hành trong tháng 10, triển khai tiêm cho trẻ từ 6-10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vaccine sởi theo quy định; tiếp tục tiêm cho những trẻ còn bỏ sót ở giai đoạn 1 chưa được tiêm.
Bộ Y tế cũng đề nghị Cục Quản lý Dược phối hợp cung ứng đủ thuốc, đặc biệt là các thuốc dùng trong chống dịch. Các địa phương phối hợp hạn chế chuyển tuyến, tránh quá tải.
Nguy cơ bùng phát
Mặc dù TPHCM đã công bố dịch sởi, nhưng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nếu không làm tốt công tác phòng chống, nguy cơ dịch sởi sẽ bùng phát mạnh không chỉ ở TPHCM mà còn ở tỉnh, thành khác, bởi sởi lây lan rất nhanh, cứ nhiễm là có triệu chứng, khi tất cả mọi người nhiễm có triệu chứng thì dịch bùng lên nhanh chóng.
Trong 2 năm đại dịch COVID-19, tỉ lệ tiêm chủng giảm mạnh, thời gian qua lại thiếu vaccine sởi – rubella trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vì vậy, tỉ lệ tiêm chủng đạt thấp, dẫn tới miễn dịch cộng đồng thấp và khi có dịch thì dễ bùng lên
Năm 2014-2015 là chu kỳ dịch sởi bùng phát rất lớn khiến hơn 110 trẻ tử vong. Năm 2019 chu kỳ 5 năm tái diễn và tới năm nay năm 2024 là năm của chu kỳ dịch.
Nguồn tin: https://laodong.vn/suc-khoe/so-ca-mac-benh-soi-tang-hon-8-lan-so-voi-cung-ky-nam-2023-1388273.ldo