Mỗi khi lên cơn chóng mặt, hoa mắt, chị B.C.M (29 tuổi, quận Phú Nhuận, TPHCM) nằm một chỗ, không thể đi lại, không thể tự ăn uống. Chị thấy mọi thứ xoay vòng, sụp đổ, buồn nôn. Mỗi lần cơn chóng mặt “bùng phát”, cuộc sống của chị đảo lộn, vì nghỉ làm, chồng cũng ở nhà chăm sóc. Qua tìm hiểu, chị M thường xuyên thức khuya đến 2 – 3 giờ sáng để giải quyết công việc tồn đọng ở công ty. Ngoài ra, chị còn nhận thêm nhiều công việc khác, ngồi trước máy tính 14 – 15 giờ/ngày, không vận động. Công việc áp lực, stress khiến chị thường xuyên mất ngủ, ngủ không sâu.
Còn chị T.L.T (27 tuổi, quận Tân Bình) vì hoa mắt, chóng mặt, nôn ói khi đang làm việc, được bác sĩ chẩn đoán chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Với vị trí trưởng phòng, chị T làm việc liên tục hơn 10 tiếng/ngày, không có ngày cuối tuần, ngủ mỗi ngày chỉ 3 – 4 giờ. Nhiều lần chị T. kiệt sức, chóng mặt phải nhập viện.
Sau khi khám, chẩn đoán cả chị M. và chị T. đều bị rối loạn tiền đình dạng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV) hay còn gọi là thạch nhĩ lạc chỗ, một dạng rối loạn tiền đình ngoại biên.
Theo ThS.BS CKII Trần Thị Thúy Hằng – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận hơn 100 người trẻ dưới 40 tuổi bị rối loạn tiền đình, chiếm 13,8% tổng số bệnh nhân bị rối loạn tiền đình ngoại biên dạng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV). Đặc biệt, nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng cấp cứu do hoa mắt, chóng mặt, nôn ói. Trong khi bệnh này thường gặp ở người từ 40 tuổi trở lên.
Trong quá trình khám, bác sĩ Hằng chia sẻ sở dĩ nhiều người trẻ bị rối loạn tiền đình do chế độ sinh hoạt chưa khoa học, lành mạnh như lịch làm việc dày đặc, phải làm việc liên tục mà không có thời gian nghỉ ngơi; công việc quá áp lực; thường xuyên stress, căng thẳng; ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính; không vận động; thiếu ngủ…
Rối loạn tiền đình gồm 2 dạng: rối loạn tiền đình ngoại biên (chiếm khoảng 90%) và rối loạn tiền đình trung ương. Rối loạn tiền đình trung ương thường gặp nhất do bệnh Migraine, nhiễm trùng não, xuất huyết não, nhồi máu não, chấn thương, u não, xơ cứng rải rác. Còn rối loạn tiền đình ngoại biên thường do chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, viêm thần kinh tiền đình, viêm tiền đình, bệnh Ménière, viêm mê nhĩ, rò ngoại dịch, u dây thần kinh 8, dị vật ống tai ngoài, viêm tai giữa cấp…
Do đó, khi người bệnh thấy triệu chứng chóng mặt, xoay tròn, mất thăng bằng là những biểu hiện thường gặp của bệnh rối loạn tiền đình, cần đi khám sớm, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và đối diện nguy cơ té ngã dẫn đến chấn thương không mong muốn.
Nguồn tin: https://laodong.vn/y-te/roi-loan-tien-dinh-o-nguoi-tre-gia-tang-1390290.ldo