Bà Angela Pratt – Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: Trung bình một lon nước ngọt 330ml chứa khoảng 35g đường, cung cấp khoảng 140 kcal nhưng lại không có giá trị dinh dưỡng khác. Trong khi người trưởng thành chỉ cần 25g đường mỗi ngày. Lạm dụng đồ uống có đường dẫn đến các vấn đề sức khỏe, như: Béo phì, đái tháo đường tuýp 2 và sâu răng. Đặc biệt, người bị thừa cân, béo phì còn tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư…
Tình trạng béo phì tăng cao nhất là thanh thiếu niên 15-19 tuổi, cứ 4 người ở độ tuổi này có 1 người thừa cân, béo phì.
Theo thông tin của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nước ngọt là đồ uống gây nghiện, số lượng người yêu thích tỉ lệ thuận với tình trạng béo phì. Số liệu thống kê năm 2020 cho thấy 19% số học sinh thừa cân béo phì, khu vực thành thị như TP.HCM và Hà Nội, tỉ lệ có thể lên tới 40%. Ở người trưởng thành, con số này khoảng 20%, riêng TP.HCM là 30%.
Nếu sử dụng 1 lon nước ngọt/ngày trong vòng 1,5 năm làm tăng 60% vấn đề thừa cân, béo phì. Còn nếu tiêu thụ nước ngọt thường xuyên 1-2 lon/ngày (hoặc nhiều hơn), có nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 cao hơn 26% so với người hiếm khi uống. Thậm chí, tiêu thụ thường xuyên đồ uống có đường có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn 1,36 lần…
Để giảm tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đưa ra khuyến cáo: Trẻ từ 2 đến 18 tuổi nên hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25g/ngày; đồ uống có đường giới hạn không quá 235ml/tuần. Đặc biệt, người dân cần thay đổi hành vi trong ăn uống, sinh hoạt hằng ngày.
Theo báo cáo của WHO, hiện hơn 110 quốc gia đã áp dụng thuế đối với nước ngọt nhằm giúp giảm lượng tiêu thụ. Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện của WHO tại Việt Nam cho biết: Nhiều bằng chứng cho thấy, việc tăng thuế nước ngọt để giá tăng 20% sẽ làm giảm khoảng 20% sức tiêu thụ nhưng với điều kiện thuế tăng được chuyển hết vào giá.
Theo khuyến nghị của WHO, đồ uống có đường được định nghĩa là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do, bao gồm: Nước ngọt có ga hoặc không có ga, nước ép hoa quả dạng lỏng, cô đặc và bột, nước hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà đóng hộp, cà phê uống sẵn và sữa có thêm đường.
Ở cả người lớn và trẻ em, giảm lượng đường tự do ăn vào dưới 10% tổng năng lượng ăn vào hằng ngày, tương đương với 12 thìa cà phê đường. Tốt nhất nên giảm thêm lượng đường tự do ăn vào xuống dưới 5% (6 thìa cà phê đường) trong tổng năng lượng ăn vào sẽ mang lại lợi ích.