Số ca biến chứng nặng tăng nhanh
Ông Bùi Duy Soàn (82 tuổi, Nam Định) đã chung sống với căn bệnh đái tháo đường hơn 20 năm nay. Năm 2016 đái tháo đường gây biến chứng nặng khiến các đầu ngón chân của ông thâm tím dần và loét gây hoại tử dẫn đến việc phải cắt bỏ chân trái.
Dù đã kiên trì điều trị song đầu năm 2024, căn bệnh này tiếp tục gây biến chứng loét chân phải khiến bệnh nhân này phải cắt bỏ theo chỉ định của bác sĩ. Biến chứng tiểu đường khiến chất lượng cuộc sống của ông Soàn sụt giảm nghiêm trọng, mọi hoạt động đời sống trở nên khó khăn do không thể đi lại. Hiện ông đang được chăm sóc và điều trị tích cực tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
“Tôi chỉ dám ăn rau hoa quả, mỗi bữa chỉ lưng bát cơm; không dám ăn đường, bánh kẹo hay nhiều tinh bột. Nhưng khi bệnh tiểu đường biến chứng tốc độ nhanh tôi cũng không thể kiểm soát được. Giữ không được nên giờ đã phải cắt hai chân theo chỉ định của bác sĩ.
Nhiều lúc tôi cũng gượng ngồi dậy nhưng không có điểm tựa nên vô cùng khó khăn. Mọi sinh hoạt đành nhờ vợ con và các cháu” – ông Soàn chia sẻ.
Không chỉ trường hợp ông Soàn, rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát được mức đường huyết trong máu, khi vào viện ở tình trạng nặng, nguy cơ hôn mê.
Ông Nguyễn Hữu Luyện (Ba Vì, Hà Nội) bắt đầu xuất hiện triệu chứng khát nước nhiều, thèm đồ ngọt nhưng không ăn uống được; tay chân bủn rủn đau nhức.
“Huyết áp của tôi khi nhập viện rất cao. Bác sĩ cảnh báo nếu không vào viện kịp thời rất nguy hiểm, nguy cơ đột quỵ” – ông Luyện kể lại.
Theo các bác sĩ tại Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, số bệnh nhân biến chứng đái tháo đường có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân một phần do trong kỳ nghỉ chế độ dùng thuốc, dinh dưỡng, tập luyện không được tuân thủ.
Kiểm soát đái tháo đường từ hành động nhỏ
Theo báo cáo từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tại Việt Nam hiện nay tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh. Bệnh không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Bệnh gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn.
Hiện Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường. Đáng chú ý, trong đó, hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.
Lý giải về sự gia tăng này, bác sĩ Nguyễn Đăng Quân – Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương – cho rằng, nhiều người có thói quen lối sống chưa lành mạnh như bỏ bữa sáng, ăn quá nhiều chất béo và thực phẩm giàu năng lượng, đường tinh bột. Kết hợp với lối sống ít vận động, tỉ lệ người béo phì ngày càng tăng. Thừa cân gây dư thừa lượng đường trong máu lâu ngày dẫn đến mắc tiểu đường.
Bác sĩ Quân nhấn mạnh, bệnh đái tháo đường là tình trạng mãn tính nên người bệnh không thể hoàn toàn đẩy lùi hoặc chữa trị bằng cách đơn giản. Tuy nhiên có một số biện pháp quản lý bệnh, kiểm soát tình trạng bệnh.
“Người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn uống như hạn chế đường tinh bột, thực phẩm đường huyết cao; ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ như rau quả tươi. Tập thể dục đều đặn 30 phút/ngày để làm chậm biến chứng. Người bệnh cũng phải thường xuyên kiểm tra đường huyết theo chỉ định. Và một việc vô cùng quan trọng là kiểm soát căng thẳng. Hãy nhớ rằng quản lý đái tháo đường là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn” – bác sĩ Quân khuyến cáo.