Một đêm không ngủ khiến não bộ già đi
Một nghiên cứu được Hiệp hội Khoa học Thần Kinh (Hoa Kỳ) công bố trên tạp chí Journal of Neuroscience – cho thấy, trong 134 người từ độ tuổi 19 – 39 tham gia nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng máy chuyên dụng để ước tính “tuổi của não” thông qua những lần quét cộng hưởng từ (MRI).
Máy quét sẽ quét não của những người thiếu ngủ, sau đó so sánh với chính não của những người đó sau một đêm được ngủ trọn vẹn.
Người tham gia khảo sát được phân tích dữ liệu cộng hưởng từ các tình trạng ngủ khác nhau, gồm mất ngủ hoàn toàn (thức kéo dài hơn 24 giờ), thiếu ngủ một phần (ngủ 3 tiếng/đêm) và thiếu ngủ mạn tính (ngủ 5 giờ/đêm, kéo dài trong 5 đêm). Nghiên cứu cũng bao gồm một nhóm đối chứng ngủ 8 tiếng mỗi đêm.
Mỗi nhóm có ít nhất một đêm “ngủ cơ bản”, trong đó, họ dành 8 tiếng trên giường. Tất cả các thành viên đều được chụp cộng hưởng từ sau mỗi giấc ngủ, để so sánh bộ não của họ trông như thế nào trước và sau khi thiếu ngủ hoặc ngủ đủ 8 tiếng.
Các tác giả nhận thấy tình trạng mất ngủ hoàn toàn làm tăng tuổi não từ một đến hai năm.
Eva Maria Elmenhorst, đến từ Đại học RWTH Aachen ở Đức, một trong những người đã tiến hành nghiên cứu cho biết: “Thật thú vị, sau một đêm ngủ bù, tuổi não của những người từng mất ngủ đã thay đổi và không khác so với ban đầu”.
Mặc dù nghiên cứu chỉ ra những đêm mất ngủ có thể ảnh hưởng đến não bộ trong thời gian ngắn, nhưng vẫn cần tìm hiểu thêm về những ảnh hưởng lâu dài của chứng mất ngủ kinh niên.
Giấc ngủ ảnh hưởng đến tư duy và trí nhớ
Tiến sĩ Viswesvaran Balasubramanian, Chuyên gia tư vấn về bệnh phổi can thiệp và y học giấc ngủ tại Bệnh viện Yashoda Hyderabad (Ấn Độ) nhấn mạnh rằng, giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong khả năng suy nghĩ và ghi nhớ hiệu quả. Tình trạng mất ngủ có thể ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác nhau của cơ thể.
Tiến sĩ Balasubramanian cho biết: “Đặc điểm độc đáo của não là độ dẻo dai của tế bào thần kinh, tức là khả năng các tế bào thần kinh trong não tự tổ chức lại để phản ứng với các kích thích bên trong và bên ngoài. Một trong những kích thích quan trọng nhất có thể thay đổi tính dẻo dai của tế bào thần kinh là giấc ngủ”.
Ông nói thêm, giấc ngủ giúp phục hồi hoạt động của hầu hết các hệ thống và cơ quan nội tiết tố trong cơ thể. Ngoài ra, giấc ngủ còn đóng vai trò quan trọng trong việc tái tổ chức hiệu quả các khớp thần kinh, đóng vai trò rất quan trọng trong trí nhớ và học tập.
Vì vậy, bất kỳ sự gián đoạn nào của giấc ngủ phục hồi thích hợp đều có thể ảnh hưởng sâu sắc đến khía cạnh này của não và có thể dẫn đến những thay đổi về cấu trúc và chức năng trong các mạch thần kinh.
Các nghiên cứu hiện tại đang cố gắng tìm hiểu những thay đổi về cấu trúc trong não bằng cách sử dụng MRI và thuật toán chuyên dụng. Mặc dù đây chỉ là một nghiên cứu nhỏ, nhưng nó vẫn cung cấp bằng chứng cho thực tế rằng, giấc ngủ đóng vai trò chính trong tư duy và trí nhớ hiệu quả.