Đại tá, TS Nguyễn Việt Nam – Chủ nhiệm Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội) cho biết: Thời điểm này bệnh viện tiếp nhận nhiều ca tai nạn do pháo nổ. Đặc biệt, riêng ngày mùng 1 Tết, bệnh viện tiếp nhận 15 ca khám cấp cứu, vào viện phẫu thuật 8 ca. Bệnh nhân chủ yếu ở độ tuổi từ 18 – 50.
Các trường hợp tai nạn trên đều bị tổn thương ở tay, chân, mắt,… nhưng chủ yếu là dập nát ở bàn tay, nguy cơ phải cắt cụt do hoại tử thứ phát.
“Trường hợp nam 18 tuổi là bệnh nhân có tổn thương nặng nhất, bị cụt nửa ngoài bàn tay trái, rách giác mạc mắt trái. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật, xử trí tổn thương cho các trường hợp trên”, TS Nguyễn Việt Nam cho hay.
Các bác sĩ khuyến cáo: Các trường hợp trên bị tai nạn chủ yếu do pháo nổ tự chế. Tổn thương do pháo nổ để lại di chứng nặng nề, điều trị tốn kém. Người dân không nên sử dụng pháo tự chế hoặc tự chế pháo theo hướng dẫn trên mạng, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc do pháo nổ.
Theo báo cáo của Bộ Y tế về tình hình công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trong 7 ngày Tết Nguyên đán từ ngày 29 Tết – 08.02.2024 đến ngày mùng 5 Tết – 14.02.2024), tổng số có 604 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa, tăng 51,4% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023 (315 trường hợp phải nhập viện điều trị, tăng 15% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023).
Tổng số khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế khác là 87 trường hợp, tăng 56 ca so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023 (39 trường hợp phải nhập viện điều trị, tăng 17 ca so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023; tử vong: 4 trường hợp, tăng 2 ca so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023).