Sữa và các chế phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai…) là những thực phẩm an toàn giúp giảm axit uric. Nguyên nhân là vì trong sữa hầu như không chứa purin, còn trong sữa chua và phô mai lại chứa rất ít purin (dưới 13 mg purin/100g thực phẩm). Trong khi đó, giới hạn purin an toàn mà người bệnh gút có thể tiêu thụ mỗi ngày là 400mg/ ngày. Vì thế, lựa chọn tiêu thụ sữa và các chế phẩm từ sữa có thể giúp bạn giảm thiểu nguy cơ tăng axit uric máu và ngăn ngừa sớm những đợt bùng phát bệnh gút trong tương lai.
Để kiểm soát bệnh gout, người bệnh cần tránh hoặc hạn chế một số loại thực phẩm chứa nhiều purin. Vì purin là chất sau khi chuyển hóa sẽ cho sản phẩm là axit uric. Axit uric tăng cao trong máu sẽ lắng đọng dưới dạng tinh thể trong dịch khớp gây viêm khớp cấp. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thực phẩm có hàm lượng purin thấp an toàn cho người bệnh gout.
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Sữa là thực phẩm giúp giảm hàm lượng axit uric trong máu. Sữa cũng cung cấp đủ canxi cho quá trình hình thành mật độ xương và loại bỏ axit uric. Ngoài ra, protein trong các sản phẩm từ sữa có thể giúp giảm nồng độ axit uric một cách tự nhiên.
– Sữa tươi ít béo: Sữa tươi và các chế phẩm từ sữa tươi ít béo có khả năng làm giảm nồng độ axit uric trong máu.
– Sữa tách béo: Các loại sữa tách béo thường không cản trở quá trình đào thải axit uric của cơ thể.
– Sữa chua: Sữa chua là chế phẩm từ sữa nên có đầy đủ thành phần các chất dinh dưỡng như sữa, đặc biệt là protein. Ngoài đạm, sữa chua còn cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết khác như: canxi, vitamin D, vitamin K, phốt pho, magiê… Bổ sung sữa chua vào chế độ ăn giúp hỗ trợ quá trình chuyển hóa đường, đạm, đồng thời loại bỏ lượng axit uric dư thừa trong máu.