Tại Điều 4 Thông tư 14 của Bộ Y tế ban hành năm 2014 quy định các hình thức chuyển tuyến khám chữa bệnh bao gồm:
– Chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên:
+ Chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên liền kề theo trình tự: tuyến 4 chuyển lên tuyến 3, tuyến 3 chuyển lên tuyến 2, tuyến 2 chuyển lên tuyến 1;
+ Chuyển người bệnh không theo trình tự quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư 14 nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư 14.
– Chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới.
– Chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cùng tuyến
Tuy nhiên, thực tế đa số các trường hợp chuyển tuyến lên trên. Trả lời Báo Lao Động – bác sĩ CKI Phùng Văn Đông, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Như Xuân – cho hay hiện đời sống nhân dân cao hơn, cộng thêm giao thông thuận lợi khiến người dân dễ dàng chuyển tuyến. Nếu chuyển tuyến một là sẽ gây áp lực cho tuyến trên, hai là gây lãng phí cho tuyến dưới.
“Có những bệnh thậm chí tuyến xã cũng chẩn đoán và điều trị được, nên không cần đến việc chuyển tuyến. Đấy là sự lãng phí không cần thiết” – ông Đông nói.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận nhiều yếu tố khách quan khiến tuyến dưới phải chấp nhận chuyển tuyến cho bệnh nhân. Trong đó trang thiết bị xuống cấp là một vấn đề nan giải và khó giải quyết.
Đơn cử, tại bệnh viện này, nguồn kinh phí khó khăn, suốt 2 năm chống dịch, cộng thêm việc phải tự chủ nên không có kinh phí, việc đầu tư mua trang thiết bị là khó.
Ông dẫn chứng dù có những trường hợp nhẽ ra không cần chuyển nhưng bác sĩ buộc phải cho bệnh nhân chuyển tuyến trên vì không có trang thiết bị.
“Nhiều bệnh nhân chấn thương vào viện, nhưng chúng tôi không có máy chụp CT. Nếu khẳng định được bệnh nhân không chấn thương sọ não thì để họ ở lại đỡ khổ, một khi đã nghi ngờ thì 100% phải chuyển đi để được chụp CT mới khẳng định được” – ông Đông nói về thực trạng.