Nhiều tháng dài ngứa, gãi nát người mới tìm ra nguyên nhân
Sau hơn 2 tháng khổ sở, chị N.T.H, 44 tuổi ở quận Cầu Giấy, Hà Nội mới tìm ra “thủ phạm” khiến chị ngứa ngáy khó chịu suốt thời gian qua.
Theo chị H, ban đầu, dưới 2 nách xuất hiện loạt những nốt như rôm, cứ nghĩ chắc do mình ăn đồ nóng nhiều. Thế là uống liên tục chanh, quất. Ai dè tần suất ngứa tăng lên. Trên da xuất hiện các nốt như muỗi đốt, côn trùng cắn. Lúc này bắt đầu tìm các loại kem bôi nhưng không đỡ. Một buổi sáng thức dậy, toàn bộ phần đùi nổi nốt sần lên đã gọi đơn vị tới xét nghiệm nhưng các chỉ số đều bình thường. Tiếp theo đó những cơn ngứa tăng dần, phải tới bệnh viện lớn ở Hà Nội đều nhận kết quả dị ứng. Bác sĩ cho truyền, tiêm, dùng thuốc… đủ cả nhưng cứ đến đêm, 2 bàn tay bàn chân ngứa điên cuồng như thể ai cấu, chọc từ bên trong ra.
“Tiếp tục vào một bệnh viện khác nhưng kết quả vẫn không có gì đặc biệt. Bác sĩ chẩn đoán bị mề đay, kê đơn thuốc” – chị H kể lại. Chị H tiếp tục khăn gói vào Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương. Sau khi khám và xem toàn bộ hồ sơ, xét nghiệm, Bác sĩ chỉ định lấy máu và phân để xét nghiệm 8 loại ký sinh trùng, ấu trùng. Kết quả: Dương tính với sán dây chó.
Chị H cho biết, mình không ưa chó, mèo, không ôm ấp, vuốt ve gì cả nhưng bác sĩ nói do ăn rau sống chứa ấu trùng hay trứng sán, tiếp xúc với nguồn đất mà chó nhiễm bệnh phóng uế.
Trùng sán dây chó ký sinh trong phổi
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận và phẫu thuật thành công một bệnh nhân nhiễm ấu trùng sán dây chó ký sinh tại phổi. Đây là một trường hợp rất hiếm gặp tại Việt Nam.
Trước khi khởi phát bệnh, bệnh nhân (38 tuổi) đã ăn các thực phẩm tái hoặc sống nhiều lần như thịt cừu nướng chưa chín, tiết canh dê, rau sống và gỏi cá mai. Bệnh nhân phát hiện bệnh với tình trạng mệt mỏi, đau vùng ngực phải âm ỉ, thỉnh thoảng khó thở, không sốt, không ho, không mẩn ngứa, không sút cân. Sau khi khám, kết quả chụp phim lồng ngực cho thấy: Tổn thương dạng nang thùy dưới phổi phải kích thước 12x9x8cm. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt nang dịch.
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt nang dịch cho bệnh nhân. Tổn thương trong mổ là một nang dịch kích thước lớn, thành dày, dịch nang trong, bên trong có chứa các đầu sán nằm ở thùy dưới phổi phải. Bệnh phẩm được gửi soi tươi xác định ấu trùng sán dây chó.
Mắc bệnh từ những sinh hoạt thường ngày
PGS.TS Đỗ Trung Dũng – Trưởng khoa Ký sinh trùng (Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương) – cho biết, bệnh sán dây (Taeniasis) là do các loài sán dây trưởng thành ký sinh trong ruột gây nên.
Bệnh sán dây có thể ký sinh ở người dưới hình thức sán trưởng thành và ấu trùng. Bệnh sán dây gây bệnh ở người thường do sán dây lợn và sán dây bò gây nên. Bệnh sán dây liên quan đến thói quen ăn thịt lợn/bò tái, sống hoặc chưa được nấu chín.
Sán dây chó là một loại sán thường ký sinh ở chó và mèo. Sán chó thường ký sinh trong ruột non của chó nhiễm bệnh. Những đốt sán già chứa trứng đứt ra thành từng đốt hoặc từng đoạn ngắn rồi tự di chuyển ra môi trường bên ngoài theo đường hậu môn hoặc theo phân chó. Mỗi đốt sán sẽ phóng thích trứng ra môi trường, dính vào lông chó hay hậu môn. Chó lại có thói quen liếm khắp cơ thể, liếm vật dụng sinh hoạt hằng ngày và cơ thể con người nên trứng sán vô tình phát tán khắp nơi.
“Bệnh do ký sinh trùng đều từ thói quen ăn uống của người dân như ăn gỏi sống, rau sống, thịt tái, ôm ấp thú cưng… Có thời điểm, 70% người dân đến khám là do nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo, hơn 20% bệnh nhân bị sán lá gan, sán dây lợn, bò” – PGS.TS Đỗ Trung Dũng cho hay.
Theo PGS Dũng, tôi từng gặp bệnh nhân có sán dây hơn 20 năm nhưng không phát hiện. Nếu xuất hiện ngứa, nổi mẩn, đau đầu, đau bụng, ho, thèm ăn, lo lắng, bất an… mọi người nên đi khám sớm để chẩn đoán chính xác bệnh.