Ông T.B.K (76 tuổi, ngụ tại Bình Thạnh), trước khi nhập viện, ở nhà xuất hiện cơn đau ngực dữ dội, khó thở, ngã gục, ngưng tim, ngưng thở, toàn thân tím tái.
Người nhà thực hiện phương pháp sơ cứu tại chỗ hơn 10 phút, nhưng người bệnh không tỉnh lại, được đưa vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Tại đây, các bác sĩ ghi nhận tình trạng cụ ông bị rối loạn nhịp thất, mạch và huyết áp đều không đo được. Ngay lập tức ê kíp khoa Cấp cứu đã tiến hành hồi sức và sốc điện chuyển nhịp liên tục, sau hơn 30 phút nỗ lực, bệnh nhân được hồi sinh tim phổi thành công.
Kết quả điện tâm đồ sau khi bệnh nhân phục hồi tuần hoàn được ghi nhận có dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp do tắc động mạch vành trái, với tình trạng sốc tim và suy đa tạng sau ngưng tim kéo dài.
Người bệnh được xử trí tích cực, phối hợp liên chuyên khoa tim mạch bao gồm Tim mạch can thiệp, Hồi sức cấp cứu, Hồi sức tim mạch.
Sau khi được hồi sức tim phổi thành công, người bệnh được chuyển ngay đến khoa Tim mạch can thiệp để chụp động mạch vành chẩn đoán, can thiệp thành công sang thương xơ vữa gây tắc động mạch vành liên thất trước.
Trong lúc người bệnh vừa được tái thông thành công động mạch vành thủ phạm, ê kíp ECMO của Đơn vị Hồi sức tim mạch được kích hoạt để phối hợp can thiệp oxy hoá máu màng ngoài cơ thể phương thức động – tĩnh mạch (VA-ECMO) kết hợp phương pháp hạ thân nhiệt để bảo vệ não.
BS.CKII Nguyễn Đỗ Anh – Trưởng khoa Tim mạch can thiệp – cho biết: Nhồi máu cơ tim cấp là nguyên nhân ngừng tim ngoại viện thường gặp nhất ở bệnh nhân lớn tuổi. Nếu không được phối hợp liên chuyên khoa tim mạch kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao do rối loạn nhịp thất và choáng tim. Việc tái tưới máu thành công động mạch vành bị tắc nghẽn đóng vai trò tiên quyết để cứu sống người bệnh”.
Đặc biệt ở người bệnh lớn tuổi, tỉ lệ tử vong có thể lên đến 80%. Khả năng phục hồi chức năng não và các tạng sau ngưng tim phụ thuộc vào thời gian ngưng tim và hiệu quả của các phương pháp hồi sức. Thông thường, các tế bào não sẽ bị tổn thương không hồi phục sau 4 phút ngưng tim.
Y văn trên thế giới báo cáo phần lớn những trường hợp cao tuổi sống còn sau ngưng tim sẽ có rối loạn chức năng não hay rối loạn nhận thức, thậm chí chết não vĩnh viễn nếu thời gian ngừng tim kéo dài.
Sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, sức khỏe của người bệnh dần ổn định, chức năng gan và thận phục hồi, chức năng co bóp cơ tim cải thiện và không để lại di chứng thần kinh.