Tại sao bạn lại giảm chiều cao theo tuổi tác?
Một nghiên cứu khoa học năm 2006 trên tạp chí JAMA Internal Medicine cho biết, giảm chiều cao có liên quan đến những thay đổi lão hóa ở xương, cơ và khớp. Cụ thể là tại các đĩa đệm cột sống, hoạt động như bộ giảm xóc để giữ cho lưng của chúng ta linh hoạt.
Theo bác sĩ Vikrant Gosavi, Chuyên gia tư vấn – Khoa Nội tiết, Bệnh viện Manipal, Pune, tại Ấn Độ cho biết, chiều cao của bạn thường bắt đầu giảm vào khoảng 40 tuổi trở đi và mức giảm chiều cao tích lũy là khoảng 1,2 cm chiều cao sau mỗi 10 năm và tốc độ giảm chiều cao sẽ nhanh khi ta bước vào độ tuổi 70.
Theo tuổi tác, trương lực cơ và khối lượng cơ của bạn sẽ giảm xuống. Hiện tượng này được gọi là thiểu cơ. Vì vậy, sức mạnh giúp cột sống của bạn được giữ thẳng sẽ giảm đi và dẫn đến cảm giác bị giảm chiều cao.
Khi bạn già đi, các đĩa đệm giữa cột sống của bạn bắt đầu thoái hóa. Những đĩa đệm này bị mất nước, xẹp xuống và cuối cùng gây giảm chiều cao theo tuổi tác.
Cuối cùng, loãng xương là một nguyên nhân chính dẫn đến giảm mật độ xương và gây giảm chiều cao.
Làm thế nào để ngăn ngừa giảm chiều cao khi về già?
Theo bác sĩ Vikrant Gosavi, giảm chiều cao theo tuổi tác là một hiện tượng tự nhiên, cũng giống như mất thị lực, tóc, khối lượng cơ và độ đàn hồi của da. Tuy nhiên, nếu tốc độ giảm chiều cao diễn ra quá nhanh và thường xuyên bị đau lưng thì nên đến các cơ sở y tế kiểm tra, vì có thể đã mắc các vấn đề về xương, chẳng hạn như bị loãng xương.
Để có thể giảm nguy cơ lùn đi khi về già, đồng thời bảo vệ sức khỏe của xương, nên tập thể dục thường xuyên, nâng tạ nhẹ nhàng, thực hiện chế độ ăn uống giàu canxi và vitamin D, tránh hút thuốc, không sử dụng quá nhiều rượu, cà phê.