Bà Richa Rathore – huấn luyện viên giảm cân và chuyên gia về collagen nổi tiếng người Ấn Độ cho biết, nếu bạn đang bị căng thẳng, bụng bầu, mặt tròn, hay dễ bị kích thích quá mức và cần ngủ trưa hằng ngày vì thức khuya… hoặc thậm chí đang trong tình trạng bị thức dậy vào khoảng 2-3 giờ sáng và thèm đường và tinh bột… Điều này cho thấy cơ thể bạn đang bị nồng độ cortisol cao và phải bổ sung thứ gì đó hỗ trợ mức cortisol lành mạnh để giảm cân và chữa lành.
Cortisol hay hormone căng thẳng rất quan trọng đối với hoạt động của cơ thể, bao gồm quá trình trao đổi chất, phản ứng miễn dịch và điều hòa căng thẳng.
Tiến sĩ Praveen Ramachandra – ông là cố vấn, nội tiết học và chuyển hóa của con người tại Bệnh viện SPARSH, Bengaluru (Ấn Độ) – giải thích rằng, cortisol rất cần thiết cho sự sống. Tuy nhiên, nếu nồng độ cortisol cao, nó sẽ dẫn đến tăng cân và có thể gây hại cho sức khỏe của một người.
Theo Tiến sĩ Praveen Ramachandra, bất cứ khi nào chúng ta gặp căng thẳng, cortisol được sản xuất bởi tuyến thượng thận sẽ làm tăng thêm lượng đường trong máu để có năng lượng tức thời và tăng cường việc não sử dụng glucose.
Mặc dù những hành động này có lợi trong các tình huống căng thẳng cấp tính, nhưng căng thẳng mạn tính sẽ dẫn đến giải phóng cortisol kéo dài, có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.
Tiến sĩ Ramachandra khẳng định, tình trạng tăng cân xảy ra bởi nồng độ cortisol là do “cơ thể phân phối lại chất béo”.
“Cortisol cho phép phá vỡ mô cơ để giải phóng axit amin để tạo năng lượng, làm giảm khối lượng cơ và tỷ lệ trao đổi chất, có thể dẫn đến tăng cân. Điều này dẫn đến việc tích trữ mỡ, đặc biệt là mỡ nội tạng quanh vùng bụng và mỡ dưới da ở mặt”, Tiến sĩ Ramachandra phân tích.
Lý do tại sao mức cortisol cao có hại được Tiến sĩ Ramachandra giải thích là vì nó gây ra các vấn đề về tim mạch, hội chứng chuyển hóa như kháng insulin, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, làm suy yếu hệ thống miễn dịch, làm giảm mật độ xương và làm tăng nguy cơ loãng xương.
“Nó cũng có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo lắng, trầm cảm và suy giảm nhận thức”, Tiến sĩ Ramachandra lưu ý.
Các chuyên gia khuyến cáo cần phải tuân thủ một số thay đổi về lối sống như ăn thực phẩm lành mạnh, kiểm soát căng thẳng, tham gia hoạt động thể chất trong hơn 30 phút và tránh uống rượu hoặc caffeine, cùng với việc duy trì lịch trình ngủ tốt để kiểm soát cortisol.