Đột quỵ là một tình trạng bệnh lý xảy ra khi lượng máu và oxy cung cấp cho não giảm đi.
Có ba loại đột quỵ gồm: đột quỵ do thiếu máu cục bộ, do cục máu đông trong mạch máu trong não gây ra; đột quỵ xuất huyết, xảy ra khi một động mạch trong não bị vỡ; và cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), gây ra bởi một cục máu đông nhỏ làm tắc nghẽn động mạch trong thời gian ngắn.
Bác sĩ Kunal Bahrani – Giám đốc Thần kinh học (Bệnh viện Fortis Escorts, Faridabad, Ấn Độ) cho biết: Ngoài vấn đề về tuổi tác, tiền sử sức khẻo gia đình và các tình trạng bệnh lý có sẵn có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, thì nhiệt độ lạnh cũng có thể khiến một người dễ mắc bệnh này.
Tại sao nguy cơ đột quỵ tăng lên trong mùa đông?
Trong một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên tạp chí Đột quỵ và Bệnh mạch máu não (Hiệp hội Đột quỵ Quốc gia và Hiệp hội Đột quỵ Nhật Bản), các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, nhiệt độ cao hơn có liên quan đến tỷ lệ nhập viện do đột quỵ thấp hơn, trong khi nhiệt độ trung bình thấp hơn và biến động nhiệt độ lớn hơn sẽ có nguy cơ nhập viện do đột quỵ cao hơn ở những người tham gia nghiên cứu.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Dịch tễ học châu Âu (European Journal of Epidemiology) đã chỉ ra rằng, khi nhiệt độ giảm 2,9°C trong 24 giờ, nguy cơ đột quỵ tăng 11%. Nghiên cứu tương tự cho thấy những người có nguy cơ tim mạch cao hơn có nguy cơ đột quỵ tăng 30%.
Theo bác sĩ Bahrani, nguy cơ đột quỵ vào mùa đông tăng lên do sự kết hợp của nhiều yếu tố.
Ông giải thích: “Thời tiết lạnh có thể làm tăng huyết áp do các mạch máu co lại để giữ nhiệt. Huyết áp tăng cao cùng với độ nhớt của máu cao hơn ở nhiệt độ lạnh hơn, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông”.
Ông cũng cho biết thêm, trong mùa đông, mọi người có xu hướng ít hoạt động hơn, dẫn đến tăng cân và tăng khả năng phát triển các bệnh như tiểu đường và cholesterol cao, cả hai đều là những yếu tố nguy cơ đáng kể dẫn đến đột quỵ.
Các yếu tố khác có thể góp phần tạo nên gánh nặng bao gồm nhiễm trùng đường hô hấp, có khả năng gây viêm, ảnh hưởng đến chức năng mạch máu.
Ai có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn?
Theo vị bác sĩ, người cao tuổi sẽ có nguy cơ cao do thay đổi mạch máu liên quan đến tuổi tác. Ngoài ra, những người mắc các bệnh từ trước như tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch cũng có nguy cơ cao hơn. Các lựa chọn về lối sống, chẳng hạn như hút thuốc và chế độ ăn uống kém sẽ càng góp phần gây ra tình trạng dễ bị tổn thương hơn.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), huyết áp cao, hút thuốc, tiểu đường, chế độ ăn uống không lành mạnh, ít hoạt động thể chất, cholesterol cao và béo phì là một số yếu tố nguy cơ phổ biến nhất gây đột quỵ nhưng có thể thay đổi được. Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi khác bao gồm tuổi tác, tiền sử gia đình, chủng tộc, giới tính và tiền sử đột quỵ, TIA hoặc đau tim.
Mẹo giảm nguy cơ đột quỵ vào mùa đông
– Việc giữ ấm cơ thể là rất quan trọng vì nhiệt độ lạnh có thể làm co mạch máu, làm tăng nguy cơ đông máu.
– Uống nhiều nước để ngăn chặn tình trạng đông máu.
– Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên để thúc đẩy tuần hoàn máu và giữ cho hệ tim mạch khỏe mạnh.
– Ăn một chế độ ăn uống cân bằng, bao gồm trái cây, rau và axit béo omega-3.