Là chuyên gia về nội tiết, đái tháo đường, TS.BS Trần Bá Thoại, TP Đà Nẵng, Ủy viên BCH Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam, Cố vấn chuyên môn Bệnh viện 199 (Bộ Công an) đã dẫn ra nhiều số liệu nghiên cứu liên quan, từ đó đồng tình với các nhà nghiên cứu trong việc khuyến nghị 7 điều cần làm để giảm nguy cơ ung thư sau đây:
1. Bỏ thuốc lá
Hút thuốc chủ động hay thụ động đều có tác động lớn nhất đến tỷ lệ ung thư, chiếm gần 20% số ca ung thư. Đây là thói quen làm tăng nguy cơ phát triển các khối u ác tính, đặc biệt là ung thư phổi.
2. Giảm cân
Sau hút thuốc, thừa cân hay béo phì đứng thứ hai, chiếm 7,6% trường hợp ung thư ở cả nam và nữ cộng lại.
3. Giảm hoặc bỏ uống rượu
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, uống rượu gây ra 5,4% số ca ung thư.
4. Tránh bức xạ tia cực tím
Bức xạ tia cực tím đứng thứ 4, chủ yếu do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời – gây ra 4,6% số ca ung thư.
Chuyên gia dẫn số liệu từ Tổ chức chăm sóc da của Mỹ, sử dụng kem chống nắng hằng ngày có thể giảm nguy cơ ung thư da khoảng 40 – 50%.
5. Vận động thể chất đều đặn
Không hoạt động thể chất là yếu tố nguy cơ đứng thứ 5 và gây ra hơn 3% trường hợp ung thư.
Theo TS Fang Fang Zhang – Chủ tịch Khoa Khoa học dữ liệu và Dịch tễ học dinh dưỡng tại Đại học Tufts (Mỹ), khuyên nên đưa hoạt động thể chất vào thói quen hằng ngày, điều này có thể giảm tới 30% nguy cơ ung thư.
6. Ăn uống lành mạnh
Các yếu tố liên quan đến chế độ ăn uống, bao gồm tiêu thụ nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẵn và nhiều đường nhưng ít trái cây, rau, canxi và chất xơ. Kết quả cho thấy cách ăn kém lành mạnh như vậy gây ra 4,2% số ca ung thư. Tránh thực phẩm đóng gói sẵn, đặc biệt là các thực phẩm siêu chế biến.
7. Ngăn ngừa bệnh nhiễm HPV, viêm gan B, C và vi khuẩn H. pylori
Theo nghiên cứu, vắc xin ngừa virus HPV có thể ngăn ngừa 100% ung thư cổ tử cung và hơn 90% ung thư do nhiễm bệnh lây qua đường tình dục.
Tương tự, tiêm ngừa vắc xin viêm gan B và C có thể làm giảm thêm nguy cơ mắc ung thư gan.