Hiểu rõ nhu cầu của bạn
Theo một bài báo trên trang web chính thức của Đại học Nebraska-Lincoln (University of Nebraska-Lincoln – UNL, Hoa Kỳ), lượng nước mà cơ thể cần phụ thuộc vào giới tính, sức khỏe, mức độ hoạt động, môi trường và nhiều yếu tố khác nhau. Do vậy, các nhà nghiên cứu khuyên bạn nên hiểu cơ thể cần gì và chú ý đến lượng chất lỏng nạp vào để tránh tình trạng dư thừa chất lỏng không cần thiết.
Không nên uống quá nhiều nước
Việc uống quá nhiều nước hoặc bổ sung thừa một lượng chất lỏng vào chế độ ăn uống có thể gây hại. Bác sĩ Parmeet Kaur, nhà dinh dưỡng cao cấp tại Bệnh viện Narayana ở Gurugram (Ấn Độ) – cho biết, người có thói quen uống nhiều nước hơn bình thường có xu hướng làm tăng tổng lượng máu trong cơ thể. Đồng thời cũng gây áp lực buộc thận phải làm việc thêm giờ để lọc lượng nước dư thừa ra khỏi hệ tuần hoàn. Vì vậy, bạn nên tránh ép bản thân uống thừa nước.
Đừng đợi đến khi khát
Khi khát, chúng ta có xu hướng uống nhiều nước trong một lần, điều này thường dẫn đến đầy hơi, đau đầu và chóng mặt. Do đó, bác sĩ Parmeet Kaur khuyên rằng, cách tốt nhất để đánh bại tình trạng mất nước là uống nước trước khi khát.
Uống nhiều hơn khi ở ngoài trời
Bước ra khỏi nhà vào mùa hè đồng nghĩa với việc đổ mồ hôi nhiều hơn. Điều này chắc chắn làm tăng nguy cơ mất nước. Do đó, một báo cáo của Trường Đại học Y John Hopkins (bang Maryland, Hoa Kỳ) khuyến nghị chúng ta nên bù nước trong thời khi ra ngoài trời để phục hồi chất lỏng, chất điện giải và cân bằng muối trong cơ thể.
Nước dừa và các đồ uống giàu chất điện giải sẽ phù hợp để giữ cho cơ thể đủ nước khi bạn đang ở ngoài trời.
Uống đúng loại chất lỏng
Caffeine, đồ uống có đường và rượu là những loại nước lợi tiểu. Nếu tiêu thụ chúng quá mức sẽ làm tăng nguy cơ mất nước và các mối nguy hiểm liên quan đến sức khỏe. Do vậy, việc cần làm là chúng ta phải lựa chọn loại nước phù hợp để bù nước cho cơ thể như nước khoáng.
Nên ngồi uống nước
Theo huấn luyện viên sức khỏe và lối sống Luke Coutinho – người sáng lập hệ thống chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe dự phòng Luke Coutinho (Ấn Độ), thói quen uống nước nhanh hoặc uống nước khi đứng có thể dẫn đến hiện tượng loãng nước trong máu. Nó cũng có thể khiến nước từ máu di chuyển đến các tế bào, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm không đáng có. Vì vậy, bạn nên ngồi uống nước một cách từ từ để cơ thể tiếp nhận nước một cách hiệu quả nhất.