Thay đổi lối sống có thể giúp ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh tiểu đường. Việc phòng ngừa đặc biệt quan trọng nếu bạn hiện đang có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 do thừa cân, cholesterol cao hay tiền sử gia đình.
Thực hiện một vài thay đổi trong lối sống có thể giúp tránh được các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng của bệnh tiểu đường trong tương lai.
Giảm cân
Theo Mayo Clinic – Trung tâm y tế học thuật của Hoa Kỳ, bước đầu tiên trong việc phòng ngừa tiểu đường chính là kiểm soát cân nặng. Trong một nghiên cứu đã thực hiện, khoảng 60% người giảm trọng lượng cơ thể nhờ tập thể dục và thay đổi chế độ ăn uống đã mang lại hiệu quả là hạn chế nguy cơ mắc tiểu đường.
Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến cáo, những người mắc bệnh tiểu đường nên giảm ít nhất 7% đến 10% trọng lượng cơ thể để ngăn ngừa bệnh tiến triển. Giảm cân nhiều hơn sẽ mang lại lợi ích lớn hơn.
Hoạt động thể chất nhiều hơn
Hoạt động thể chất thường xuyên mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể như kiểm soát cân nặng, giảm lượng đường trong máu, tăng cường độ nhạy cảm với insulin…
Hãy thực hiện một bài tập aerobic với nhiều cường độ khác nhau trong vòng 30 phút. Bên cạnh đó, bạn có thể kết hợp cùng đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe, chạy… nâng tổng thời gian tập lên tối thiểu 150 phút/tuần. Để nâng cao sức đề kháng, không thể bỏ qua cử tạ, yoga, nhảy, múa…
Cần lưu ý, việc đầu tiên của phòng ngừa tiểu đường chính là chăm chỉ hoạt động. Sau khi ngồi máy tính nhiều, lượng đường trong máu sẽ tăng lên. Vì thế, hãy dành vài phút để đứng, đi lại và hoạt động nhẹ nhàng.
Ăn thực phẩm lành mạnh
Chế độ ăn uống rất quan trọng trong việc phòng ngừa tiểu đường. Hãy chú trọng các thực phẩm có nhiều vitamin, khoáng chất. Thực phẩm giàu chất xơ cũng góp phần thúc đẩy giảm cân và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Những loại thực phẩm lành mạnh, giàu chất xơ, gồm: cà chua, ớt, trái cây, bông cải xanh, súp lơ xanh, đậu lăng, đậu xanh, ngũ cốc nguyên hạt…
Đồng thời, mỗi người cần tránh thực phẩm chứa “carbohydrate xấu”, nhiều đường, ít chất xơ hoặc chất dinh dưỡng. Bánh mì trắng, bánh ngọt, mì ống, nước ép trái cây, thực phẩm chế biến sẵn… có nhiều đường và hàm lượng fructose cao.
Ăn chất béo lành mạnh
Với thực phẩm béo có lượng calo cao, bạn nên ăn ở mức độ vừa phải. Để kiểm soát cân nặng, chế độ ăn uống của bạn nên bao gồm nhiều loại thực phẩm có chất béo không bão hòa, được gọi là “chất béo tốt”.
Chất béo không bão hòa thúc đẩy mức cholesterol trong máu khỏe mạnh và sức khỏe tim mạch tốt. Nguồn chất béo tốt bao gồm: dầu ô liu, hướng dương, cây rum, hạt bông, dầu hạt cải, hạnh nhân, đậu phộng, hạt lanh, hạt bí ngô, cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ và cá tuyết.
Chất béo bão hòa, “chất béo xấu” được tìm thấy trong các sản phẩm từ sữa và thịt. Với loại thực phẩm này, cần kiểm soát tốt và nên lựa chọn sữa ít béo, thịt gà và thịt lợn nạc.
Gặp bác sĩ
Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến nghị, nhóm người cần sàng lọc định kỳ bằng các xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường gồm có:
Những người dưới 45 tuổi thừa cân hoặc béo phì, có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tiểu đường.
Phụ nữ từng mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
Những người đã được chẩn đoán mắc bệnh tiền tiểu đường.
Trẻ thừa cân hoặc béo phì, có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường loại 2 hoặc các yếu tố nguy cơ khác.
Hãy chia sẻ mối quan tâm của bạn về việc phòng ngừa bệnh tiểu đường với bác sĩ. Họ sẽ đánh giá cho bạn và cung cấp thêm những gợi ý bổ sung.