Home Kỹ Năng Sống 7 thói quen những người lịch sự đều có

7 thói quen những người lịch sự đều có

0
7 thói quen những người lịch sự đều có

Không ngắt lời người khác, thừa nhận sai lầm, đối xử bình đẳng là một số thói quen bạn cần học hỏi ở người lịch sự để biết cách cư xử tốt trong mọi tình huống.

Hành động lịch sự có thể cải thiện cuộc sống của bạn. Bạn có thể có những mối quan hệ tốt hơn, nhận được sự tôn trọng, đồng thời nâng cao sự tự tin và lòng tự trọng của mình. Mặt khác, hành vi thô lỗ, thiếu lịch sự sẽ khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn.

Nói “Làm ơn” và “Cảm ơn”

Theo Reader’s Digest, Bonnie Tsai, chuyên gia về nghi thức, đồng sáng lập kiêm Giám đốc của Beyond Etiquette, cho biết quy tắc vàng của cách cư xử lịch thiệp là nói “Làm ơn” và “Cảm ơn”. Đây là quy tắc đầu tiên mà các gia đình thường dạy con cái nhưng người lớn lại quên sử dụng điều đơn giản nhưng tốt đẹp này. Hãy nhớ rằng bạn không bao giờ quá già để thể hiện lòng tốt và lòng biết ơn đối với người khác.

Không chạm vào người khác khi chưa được phép

Ngoài hành động bắt tay, người lịch sự sẽ không chạm vào người khác hoặc xâm phạm không gian riêng khi chưa được phép. Một số người không nhận ra khi họ vô tình chạm vào bạn, nhưng chắc chắn sẽ phát hiện khi bạn chạm vào họ. Và điều đó có thể khiến họ cảm thấy khó chịu.

“Người lịch sự làm điều này vì hiểu ai cũng không thoải mái khi bị người hoàn toàn xa lạ động chạm vào. Nếu bạn không chắc chắn, hãy hỏi đối phương trước”, Tsai giải thích.

Đụng chạm khi chưa được phép là hành vi thô lỗ mà người lịch sự không bao giờ làm. Ảnh: Medicalnewstoday.
Đụng chạm khi chưa được phép là hành vi thô lỗ mà người lịch sự không bao giờ làm. Ảnh: Medicalnewstoday.

Không ngắt lời người khác

Một trong những lỗi giao tiếp không lịch sự là ngắt lời người khác khi họ đang nói. Người lịch sự chỉ đơn giản là không làm điều đó. Thông thường, trở thành người biết lắng nghe sẽ làm giảm bớt hành vi được cho là bốc đồng này.

Thay vì nghĩ về những gì bạn muốn nói tiếp theo, hãy tập trung vào những gì người kia đang nói và để họ kết thúc vấn đề của họ trước khi bạn chia sẻ ý kiến của mình.

Ngoài ra, người lịch sự cũng không biến cuộc trò chuyện thành buổi độc thoại của mình. Một phần trong phép lịch sự khi giao tiếp là lắng nghe người khác. Chỉ im lặng khi ai đó đang nói thôi chưa đủ, những người lịch sự biết cách biểu hiện ngôn ngữ cơ thể biểu thị mình lắng nghe tích cực như giữ giao tiếp bằng mắt, gật đầu… Họ biết điều này sẽ giúp đối phương cảm thấy mình thật sự được lắng nghe và tôn trọng.

Khen ngợi thận trọng

Theo Evie Granville, chuyên gia về giao tiếp xã giao và là nhà văn, tác giả cuốn Modern Manners for Moms and Dads, người lịch sự tránh đưa ra lời khen gắn liền với cân nặng hoặc ngoại hình của ai đó. Việc khen hoặc nhận xét về ngoại hình, cách giảm cân… có thể khiến người khác khó chịu. Một người lịch sự không bao giờ nên khen ngoại hình của người khác trừ khi đó là bạn thân hoặc mẹ của họ.

“Khi bạn nhận xét về cân nặng hoặc ngoại hình của người khác – chẳng hạn nếu bạn nói với bà mẹ vừa sinh rằng ‘Chà, bạn trông thật tuyệt vời. Bạn đã giảm tất cả trọng lượng của em bé rồi!’. Điều này khiến người nghe cảm thấy bạn đang để ý cơ thể của họ. Ngay cả khi bạn đang nói điều gì đó tốt đẹp, người nhận lời khen có thể không thấy như vậy”, Granville chia sẻ.

Thay vào đó, họ có thể khen ngợi kỹ năng làm việc của đồng nghiệp hoặc thành tích của đối tác. Điều này rất có ích cho công việc.

Không nói chuyện phiếm

Con người rất hay đưa ra đánh giá về người khác và muốn chia sẻ chúng. Nhưng người lịch sự sẽ giữ những suy nghĩ đó cho riêng mình. Tsai giải thích: “Một người lịch sự cố gắng hiểu quan điểm của người khác mà không phán xét. Điều này cũng có nghĩa là nếu họ hứa sẽ không nói với ai, họ sẽ thực sự giấu kín mọi chuyện”.

Bên cạnh đó, khi người khác đàm tiếu về điều gì đó, người thực sự lịch sự không tiếp thu hoàn toàn. Nếu không thể tìm cách thay đổi chủ đề cuộc trò chuyện, họ sẽ rời đi.

Biết nhận lỗi và không cười cợt sai lầm của người khác

Người lịch sự sẽ thừa nhận khi mắc sai lầm và chịu trách nhiệm, cố gắng sửa chữa, cải thiện tình hình. “Một số người không thích thừa nhận khi làm sai. Tuy nhiên, điều này không khiến họ trở nên thông minh hơn mà ngược lại còn tự biến mình trở thành người thiếu hiểu biết”, chuyên gia này giải thích.

Ngoài ra, người lịch sự không cười cợt khi người khác mắc sai lầm. Họ hiểu rằng không ai là hoàn hảo và cần được đối xử công bằng. Không ai muốn mình bị đem ra làm trò cười trong hoàn cảnh tương tự.

Đối xử bình đẳng với người khác

Bạn có thể đã nghe nói về Warren Buffett – một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới. Mặc dù là doanh nhân thành đạt, Buffett cũng rất khiêm tốn và lịch sự. Một số người trong lĩnh vực tài chính theo dõi Buffett đã thực sự “phàn nàn” về cách cư xử hoàn hảo của Buffett, họ đã viết một bài báo có tiêu đề Mr. Buffett, ngài quá lịch sự.

Buffett nổi tiếng là đối xử tôn trọng với mọi người mà ông gặp, bất kể địa vị hay nghề nghiệp. Đó là phẩm chất của một người lịch sự, họ đối xử tôn trọng và bình đẳng với mọi người.