Tổng cục Hải quan cho biết Cục Hải quan tỉnh Bình Phước ngay sau khi phát hiện dấu hiệu vi phạm của doanh nghiệp và công chức đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Công an TP. Hồ Chí Minh để thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ điều tra xử lý vụ án.
ĐÌNH CHỈ CÔNG TÁC ĐỂ TRUY TRÁCH NHIỆM
Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo Cục Hải quan tỉnh Bình Phước rà soát, xem xét, xử lý trách nhiệm của cá nhân, đơn vị có liên quan.
Theo đó, ngày 31/8/2023, Cục Hải quan tỉnh Bình Phước ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với công chức có liên quan để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và phối hợp cung cấp hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra.
Trong công tác phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hồ Chí Minh giải quyết vụ việc, Cục Hải quan tỉnh Bình Phước đã tập trung rà soát toàn bộ hồ sơ vụ việc liên quan; đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến quy trình thủ tục hải quan, quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ.
Từ đó, xác định trách nhiệm cụ thể của đơn vị và của từng công chức, cán bộ có liên quan, bao gồm công chức, công chức lãnh đạo cấp tổ/đội, chi cục, cục.
“Căn cứ sai phạm của các cá nhân, đơn vị đối chiếu với các quy định về xử lý kỷ luật công chức, Cục Hải quan tỉnh Bình Phước xem xét, kiểm điểm, xử lý kỷ luật công chức vi phạm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị (Đảng, hành chính) có liên quan theo quy định”, Tổng cục Hải quan nêu rõ.
Cùng với đó, đơn vị cũng tập trung bố trí nguồn lực, trang thiết bị đảm bảo thủ tục thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp trên địa bàn 24/7. Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục thông tin ngay khi có kết quả kiểm tra, xác minh vụ việc.
CÁN BỘ HẢI QUAN TIẾP TAY BUÔN LẬU
Trước đó, ngày 12/9, các cán bộ Chi cục Hải quan Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) là Trương Thị Lệ Hằng, Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Thị Kim Anh, Nguyễn Tiến Dũng bị Công an TP. Hồ Chí Minh bắt tạm giam về hành vi nhận hối lộ.
Theo trên, Bạch Tấn Cường (43 tuổi), Võ Thanh Tuấn (36 tuổi), Giám đốc Công ty Long Tân Vina (trụ sở ở Bình Phước) cùng hai người khác bị tạm giam với cáo buộc buôn lậu.
Từ tháng 3/2023 đến thời điểm bị phát hiện, các đối tượng nhập lậu 258 container mặt hàng sợi Polyester, trong đó có 21 container được phân loại kiểm tra luồng đỏ, với tổng giá trị hàng hóa ước tính gần 150 tỷ đồng. Bốn cán bộ hải quan thuộc Chi cục Hải quan Chơn Thành, Bình Phước nhận hối lộ hơn 500 triệu đồng để bỏ qua việc kiểm tra thực tế hàng hóa.
Bước đầu, các đối tượng thừa nhận từ tháng 3 đến nay nhập lậu 258 container mặt hàng sợi Polyester xuất xứ Trung Quốc, có mức thuế chống bán phá giá 17,45%; trong đó có 21 container được phân loại kiểm tra “luồng đỏ” với tổng giá trị hàng hóa ước tính gần 150 tỷ đồng.
Công an TP. Hồ Chí Minh đã theo dõi đường dây buôn lậu sợi Polyester của nhóm người Việt móc nối với tội phạm bên Trung Quốc.
Ngày 21/8, cảnh sát phát hiện Công ty Sunview mở tờ khai nhập khẩu và được Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực I niêm phong, bàn giao cho doanh nghiệp vận chuyển về Chi cục Hải quan Chơn Thành để kiểm tra thực tế, hoàn thành thủ tục thông quan. Tuy nhiên, lô hàng không về Bình Phước mà được đưa đến Kho hàng số 1, Cảng Phú Định (quận 8) để bốc dỡ.
Trinh sát ập vào bắt quả tang seal niêm phong hải quan bị cắt bỏ, hàng hóa bên trong trong container nêu trên là sợi Polyester, không phải sợi đơn mono-pylamen polyurethan (có mức thuế chống bán phá giá là 0%) như trong tờ khai nhập khẩu.
Ngay sau đó, Công an TP. Hồ Chí Minh khám xét 4 địa điểm là công ty và các kho hàng có liên quan tại Quận 8, 11, Bình Tân và huyện Bình Chánh, thu giữ nhiều tài liệu, chứng từ, chữ ký số, dữ liệu điện tử… liên quan đến hoạt động nhập khẩu sợi Polyester của Công ty Sunview, Công ty TNHH TM & SX Long Tân Vina và hơn 700 tấn sợi các loại không có hóa đơn, chứng từ.
Quá trình điều tra xác định, Cường, Tuấn và hai người khác thành lập nhiều công ty “ma” ở Bình Phước, lấy pháp nhân đứng tên nhập khẩu hàng hóa tại Chi cục Hải quan Chơn Thành (tỉnh Bình Phước). Nhóm này chỉ đạo nhân viên làm giả hóa đơn, chứng từ ngoại thương (Invoice) của các công ty bán hàng tại Trung Quốc.
Trong đó, tự điều chỉnh thông tin chi tiết về hàng hóa từ sợi Polyester sang mặt hàng sợi đơn mono-pylamen polyurethan đàn hồi không xoăn (có mức thuế chống bán phá giá là 0%) và giảm trọng lượng thực tế.
Sau đó, họ làm thủ tục khai báo hải quan nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Chơn Thành, nhập lậu số lượng lớn sợi Polyester. Để thực hiện trót lọt hành vi này, Cường, Tuấn móc nối 4 công chức hải quan thuộc Đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu, chi 3,5 triệu đồng cho mỗi container để không bị kiểm tra thực tế hàng hóa (thuộc mã phân loại kiểm tra “luồng đỏ”).
Sau khi các container sợi Polyester do Công ty Sunview và Long Tân Vina đứng tên nhập khẩu làm thủ tục bốc dỡ hàng hóa từ Cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh sẽ được đưa thẳng về kho mà không cần đưa Chi cục Hải quan Chơn Thành để làm thủ tục kiểm hóa và thông quan.
Cảnh sát khám xét khẩn cấp nơi làm việc của 4 công chức hải quan Chi cục Hải quan Chơn Thành, thu giữ 21 bộ hồ sơ tờ khai hải quan “luồng đỏ” thông quan của hai công ty trên.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra mở rộng, củng cố chứng cứ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.