Chia sẻ tại hội thảo Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam diễn ra chiều 16/1 tại Đà Nẵng, ông Andy Khoo, Tổng giám đốc Terne Holdings, nhấn mạnh: Việt Nam hiện là ngôi sao đang lên của ASEAN. Với tốc độ tăng trưởng GDP duy trì ở mức 6-7%, dòng chảy thương mại đạt 732 tỷ USD vào năm ngoái, và hơn 120 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thập kỷ qua.
Trung tâm Tài chính Quốc tế Đà Nẵng có thể đóng góp thêm 3 – 5 tỷ USD hàng năm vào GDP của Việt Nam.
TRUNG TÂM TÀI CHÍNH QUỐC TẾ ĐÀ NẴNG CÓ THỂ GÓP 5 TỶ USD VÀO GDP
Khi định vị Trung tâm Tài chính Quốc tế Đà Nẵng trên bản đồ tài chính toàn cầu, việc học hỏi từ các mô hình thành công như Singapore, Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai (DIFC), và các trung tâm mới nổi như GIFT City hay Labuan là điều vô cùng quan trọng.
Cũng theo ông Andy Khoo, để định vị Đà Nẵng trở thành cường quốc tài chính tiếp theo của Đông Nam Á, cần tập trung vào ba trụ cột chiến lược, phù hợp với những thế mạnh và cơ hội độc đáo của thành phố: Tài chính xanh, Đổi mới FinTech, và Tài chính thương mại.
Trong đó, một trong những thị trường chưa được phục vụ đầy đủ nhất ở ASEAN, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), đang đối mặt với nhu cầu tài chính thương mại chưa được đáp ứng trị giá 200 tỷ USD mỗi năm. Trung tâm Tài chính Quốc tế Đà Nẵng có thể đáp ứng nhu cầu này bằng cách cung cấp các giải pháp tài chính thương mại mới và tạo điều kiện cho dòng vốn di chuyển xuyên biên giới một cách liền mạch.
Đặc biệt, việc triển khai Cảng Tự Do (Le Freeport) để lưu trữ an toàn cho vàng thỏi, tác phẩm nghệ thuật và đồ sưu tầm sẽ giúp Đà Nẵng thu hút các cá nhân giàu có và các ngân hàng đang tìm kiếm giải pháp tài chính dựa trên tài sản.
Và, bằng cách cung cấp các cơ sở trọng tài cho các tranh chấp thương mại và các ưu đãi thuế trong khu vực kinh tế đặc biệt (SEZ), Trung tâm Tài chính Quốc tế Đà Nẵng có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh trong thị trường tài chính toàn cầu.
“Tất cả các yếu tố này kết hợp với nhau để tạo ra một hệ sinh thái tài chính sáng tạo, bền vững và kết nối toàn cầu, đảm bảo rằng Trung tâm Tài chính Quốc tế Đà Nẵng sẽ nổi bật không chỉ trong khu vực mà còn trên trường quốc tế”, Tổng giám đốc Terne Holdings nhấn mạnh.
CÂN NHẮC THIẾT LẬP HỆ SINH THÁI TƯ PHÁP RIÊNG BIỆT CHO TRUNG TÂM TÀI CHÍNH?
Đồng quan điểm, TS. Andreas Baumgartner, Tổng giám đốc Kiêm sáng lập The Metis Institute, cho rằng quan trọng nhất là định vị rõ ràng và đề xuất giá trị cụ thể. Các Trung tâm Tài chính Quốc tế thành công đều mang đến một giá trị độc đáo cho thị trường. Không một trung tâm nào chỉ thành công bằng cách đơn thuần gắn nhãn “Trung tâm Tài chính Quốc tế” cho mình.
Ngày 4/1/2025 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị công bố Nghị quyết 259/NQ-CP của Chính phủ: Ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Trong đó, quan điểm các cơ quan từ trung ương đến địa phương phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ; triển khai theo tiến độ, lộ trình theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, quyết tâm xây dựng các văn bản quy định cụ thể về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam; thành lập và vận hành Trung tâm tài chính tại TP.HCM, Đà Nẵng trong năm 2025.
Việc Xây dựng Trung tâm tài chính cần quan sát kinh nghiệm từ sự thành công của các Trung tâm tài chính trên thế giới.
Khi Việt Nam thành lập không chỉ một mà là hai Trung tâm Tài chính Quốc tế, ở cả Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, việc phân biệt rõ ràng hai trung tâm này là rất quan trọng. Mỗi trung tâm cần có một đề xuất giá trị cụ thể, rõ ràng, nhằm tránh sự nhầm lẫn hoặc cạnh tranh lẫn nhau. Điều này sẽ đảm bảo rằng mỗi trung tâm có thể khai thác tốt nhất tiềm năng riêng và đáp ứng những nhu cầu khác nhau của thị trường.
Lấy ví dụ về sự thành công của Trung tâm Tài chính quốc tế Dubai, TS. Andreas Baumgartner cho biết kể từ khi thành lập vào năm 2004, Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai đã chào đón hơn 6.000 công ty đăng ký hoạt động. Hiện tại, lực lượng lao động tại DIFC đã đạt khoảng 42.000 người. Một lĩnh vực đặc biệt được Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai tập trung phát triển là FinTech. Hiện nay, có hơn 1.000 công ty hoạt động trong lĩnh vực này.
Có nhiều yếu tố góp phần vào thành công của DIFC trong đó bao gồm khung pháp lý mạnh mẽ. Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai hoạt động theo một khung pháp lý và quy định riêng biệt, độc lập với phần còn lại của UAE.
Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai có các luật dân sự và thương mại riêng, cùng với các tòa án hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều này mang đến một nền tảng an toàn và hiệu quả cho các hoạt động kinh doanh và tài chính, thu hút các ngân hàng lớn, công ty dịch vụ tài chính và tập đoàn đa quốc gia.
Một yếu tố quan trọng khác chính là vấn đề giải quyết tranh chấp. Việc các nhà đầu tư cảm nhận được sự công bằng và minh bạch trong quá trình giải quyết tranh chấp là yếu tố cực kỳ quan trọng.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã thực hiện một cách tiếp cận toàn diện bằng cách thiết lập các tòa án dân sự và thương mại dành riêng cho Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai và Thị trường Toàn cầu Abu Dhabi. Các tòa án này áp dụng luật thông lệ Anh, nổi bật về trải nghiệm khách hàng, sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức và có sự tham gia của các thẩm phán quốc tế – tức là các thẩm phán không phải là công dân UAE.
Theo TS. Andreas Baumgartner, thiết lập một hệ thống tư pháp riêng biệt trong một Trung tâm Tài chính Quốc tế, với các thẩm phán quốc tế, không nên – và không được – coi là một lời chỉ trích đối với hệ thống hoặc thẩm phán địa phương. Thay vào đó, điều này cần được nhìn nhận như một cách tiếp cận khác – và rất quan trọng – để mang lại một lợi thế cạnh tranh bổ sung trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Việc thiết lập hệ sinh thái tư pháp riêng biệt cho một Trung tâm Tài chính Quốc tế, tách biệt hoàn toàn khỏi hệ thống tư pháp chính, là một quyết định rất khó khăn và nhạy cảm. Điều này có thể không phải là một lựa chọn khả thi ở nhiều quốc gia và có thể cũng không phải là lựa chọn mong muốn nhất trong bối cảnh địa phương.
Tuy nhiên, trong những trường hợp phù hợp, nó có thể là một công cụ quan trọng để xây dựng niềm tin và thu hút đầu tư quốc tế. Nếu khả thi, cách tiếp cận này được xem là “tiêu chuẩn vàng” mà hầu hết các nhà đầu tư quốc tế ưu tiên lựa chọn.
“Bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền lựa chọn một con đường thay thế, như dựa chủ yếu vào trọng tài, nhưng không cần thiết phải có các tòa án riêng biệt cho Trung tâm Tài chính Quốc tế. Lựa chọn phương pháp cần phải phù hợp với văn hóa chính trị và pháp lý của quốc gia sở tại – trong trường hợp này là Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng để xác định cấu trúc nào sẽ phục vụ tốt nhất cho cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế”, vị này nhấn mạnh.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/xay-dung-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-co-nen-can-nhac-thiet-lap-he-thong-tu-phap-rieng-biet.htm