Bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và thay đổi nhanh chóng như hiện nay đòi hỏi doanh nghiệp cần phải có chiến lược thích nghi, linh hoạt và phát triển một cách bền vững.
Trong cuộc trao đổi với VnEconomy như dưới đây, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD), nhấn mạnh tới yếu tố quan trọng, đó là doanh nghiệp cần có một Hội đồng quản trị hội tụ đủ các giá trị tiên phong để chèo lái, định hướng cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp đối mặt với bài toán tồn tại trước khi nghĩ tới tăng trưởng xanh và tín dụng xanh?
Chúng ta vẫn thường nói doanh nghiệp muốn tồn tại nhưng tồn tại như thế nào và phát triển ra sao là vấn đề cần quan tâm hơn. Thay đổi tư duy để doanh nghiệp lớn hơn về quy mô, thị trường hay hiệu quả hoạt động… từ thực hành quản trị công ty tốt sẽ là vấn đề sống còn đối với mỗi doanh nghiệp.
Quản trị công ty tốt không chỉ là đòi hỏi ở các công ty có quy mô lớn hơn như doanh nghiệp niêm yết hay đại chúng mà ngay cả ở những doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp gia đình và doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, để tiếp cận nguồn vốn cũng như huy động vốn từ thị trường, các doanh nghiệp phải chứng tỏ được khả năng quản trị của mình trong việc bảo toàn và gia tăng vốn hiệu quả, tạo tác động tốt tới môi trường và kiến tạo những giá trị xã hội cao hơn. Đó là doanh nghiệp sẽ đảm bảo lợi ích cho người lao động, cho xã hội trong khi vẫn giảm chi phí hoạt động, tăng lợi nhuận tài chính cũng như phi tài chính cho doanh nghiệp. Quản trị doanh nghiệp hướng tới các yếu tố E&S (E – Môi trường, S – Xã hội) đang là xu thế được nhiều doanh nghiệp áp dụng để hướng tới tăng trưởng xanh và tín dụng xanh.
Cùng với việc nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, theo bà, cơ quan quản lý cần có những quy định cụ thể nào để thúc đẩy thực hành quản trị tốt tại doanh nghiệp?
Nhu cầu phát triển xuất phát từ nội tại của mỗi doanh nghiệp. Thể chế chỉ là khung khổ để tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.
Để tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, doanh nghiệp phải bắt đầu từ quản trị đặc biệt là mô hình quản trị E&S (quản trị xanh) như tôi đã nói ở trên.
Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững không phải là vấn đề quá lớn như nhiều doanh nghiệp từng nghĩ. Những thay đổi nhỏ sẽ giúp tăng cường hiệu quả hiện tại, qua đó tăng cường danh tiếng của doanh nghiệp cũng như người lãnh đạo; từ đó, thúc đẩy cơ hội tiếp cận nguồn vốn xanh cho các doanh nghiệp.
Quản trị xanh không chỉ là quản trị truyền thống, quản trị về tài chính mà bao gồm quản trị về nguồn nhân lực, tạo tác động xã hội và nguồn năng lượng. Đây là xu thế đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và các doanh nghiệp của Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này.
Quản trị tốt rõ ràng cần hội đồng quản trị tốt. Theo bà, làm thế nào để nâng cao chất lượng hội đồng quản trị của các doanh nghiệp Việt Nam?
Chất lượng hoạt động của Hội đồng quản trị vốn dựa trên năng lực của Hội đồng quản trị. Ở các quốc gia trên thế giới cũng như khu vực, năng lực này dựa trên năng lực chuyên môn vì vậy các quốc gia đặc biệt chú trọng vào đào tạo các thành viên Hội đồng quản trị.
Thông qua chương trình đào tạo bắt buộc, các thành viên của Hội đồng quản trị sẽ được nâng cao nhiều kỹ năng liên quan tới quản trị công ty như tài chính, nhân lực, xã hội… Theo đó, Việt Nam có thể cân nhắc triển khai những chương trình này cho các thành viên Hội đồng quản trị, những người được xem là đang “hành nghề” quản trị công ty.
Theo bà, vì sao những công ty có chất lượng quản trị tốt lại có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn xanh hơn?
Theo quan điểm của quốc tế, quản trị công ty chính là đơn vị tiền tệ quốc tế, là nơi giá trị doanh nghiệp được định danh và đánh giá bởi các nhà đầu tư.
Theo đó, khi quản trị công ty tốt, cơ hội tìm kiếm nguồn tài chính trên thị trường của doanh nghiệp thông qua tín dụng xanh, trái phiếu xanh và cổ phiếu xanh sẽ rộng mở hơn.
Sự rộng mở mà bà nói là từ quốc tế. Còn ở Việt Nam thì sao, thưa bà?
Việt Nam đang trong giai đoạn sơ khởi nên cơ hội để tiếp cận nguồn vốn này là rất lớn. Theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, những dự án xanh liên quan tới năng lượng sạch, năng lượng xanh, dự án giảm phát thải, dự án xử lý và chế biến rác, dự án trồng rừng tái tạo… là những dự án có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh, đầu tư xanh từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
Ngoài ra, các dự án đang trong quá trình chuyển đổi xanh như ngành dệt may, da giày… cũng có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng xanh, đầu tư xanh trên thị trường. Vấn đề là các doanh nghiệp này phải có chất lượng quản trị tốt, minh bạch và hiệu quả trong những vấn đề liên quan tới yếu tố môi trường và xã hội (E&S).
Nhưng làm thế nào để ngân hàng cũng như các quỹ đầu tư cũng công nhận các doanh nghiệp là “xanh” để cung cấp vốn tín dụng và đầu tư, thưa bà?
Có một thực tế là hiện nay các doanh nghiệp đang trong quá trình chuyển đổi xanh đang phải tự chứng minh tác động của dự án chuyển đổi xanh và các ngân hàng tự đánh giá theo bộ tiêu chí của riêng mình về tín dụng xanh và quản trị rủi ro…
Về lâu dài, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm đưa ra các văn bản hướng dẫn để mở rộng kênh tiếp cận tín dụng xanh cho doanh nghiệp. Theo đó, hy vọng trong năm 2024, bộ tiêu chí tín dụng xanh cho các dự án xanh và chuyển đổi xanh sẽ được ban hành.