Theo đó, căn cứ quy định tại Luật Đầu tư (2014, 2020), ngày 26/9/2014 Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; căn cứ Nghị định số 88/2014/NĐ-CP, tính đến tháng 8/2024, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đối với 4 doanh nghiệp gồm: Công ty CP Sài Gòn Phát Thịnh Ratings (Saigon Ratings), Công ty CP FiinRatings, Công ty CP xếp hạng tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) và Công ty CP xếp hạng tín nhiệm S&I (S&I Ratings).
Như vậy, so với cuối năm 2023, Công ty CP xếp hạng tín nhiệm S&I (S&I Ratings) là doanh nghiệp xếp hạng mới vừa được Bộ Tài chính cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trong năm 2024.
Theo quy định của Nghị định số 88/2014/NĐ-CP, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm phải được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; các doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm thì không được phép sử dụng cụm từ “xếp hạng tín nhiệm” hoặc các cụm từ khác có nội hàm như “xếp hạng tín nhiệm” trong tên gọi.
Các chuyên gia cho rằng sự hiện diện của các công ty xếp hạng tín nhiệm có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của thị trường tài chính Việt Nam, khi nhu cầu về các dịch vụ đánh giá tín nhiệm ngày càng trở nên cấp thiết.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, xếp hạng tín nhiệm là công cụ hữu hiệu để các hoạt động trên thị trường tài chính diễn ra minh bạch, công khai, qua đó thúc đẩy thị trường tài chính tiền tệ, thị trường vốn phát triển bền vững và an toàn.
“Nếu các ngân hàng được tổ chức uy tín xếp hạng tín nhiệm cao sẽ đem tới những lợi thế như huy động vốn, hoạt động nghiệp vụ, cho vay hay vay vốn với lãi suất thấp từ các tổ chức trong nước và quốc tế”, ông Hùng nói.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Trưởng ban, Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, xếp hạng tín nhiệm mang lại lợi ích kép, vừa giúp nhà đầu tư có cơ sở để đánh giá, vừa giúp cơ quan quản lý giám sát thị trường hiệu quả hơn. Đặc biệt, đối với các nhà đầu tư cá nhân, kết quả xếp hạng tín nhiệm là cơ sở quan trọng để đưa ra quyết định đầu tư an toàn và hiệu quả.
Trước sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính, việc gia tăng số lượng các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn đặt nền móng cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Thị trường trái phiếu Việt Nam, vốn được xem là một kênh huy động vốn quan trọng, sẽ trở nên minh bạch hơn khi có sự tham gia của các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp phát hành lẫn nhà đầu tư.
Việc cấp phép cho các doanh nghiệp xếp hạng tín dụng là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy sự ổn định và bền vững của thị trường tài chính, mở ra những cơ hội mới cho nền kinh tế quốc gia.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/viet-nam-co-4-doanh-nghiep-xep-hang-tin-nhiem-da-duoc-cap-phep.htm