Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa trả lời Công văn số 6051/BTC-CST ngày 14/6/2023 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý dự thảo Nghị định quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) 2% theo Nghị quyết của Quốc hội, sau khi tham vấn một số doanh nghiệp và chuyên gia.
Cụ thể, VCCI cho biết hiện nay, một số loại hàng hoá, dịch vụ đang được áp dụng các biện pháp quản lý giá như Nhà nước định giá, đăng ký giá, kê khai giá và niêm yết giá.
Chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% vào ngày 1/7/2023 và tăng từ 8% lên 10% vào ngày 1/1/2024 sẽ tác động đến việc thực hiện các biện pháp quản lý giá như trên. Theo đó, “đối với trường hợp doanh nghiệp đã kê khai giá, đăng ký giá đã bao gồm thuế, có cần phải giảm giá tương ứng với phần giảm thuế 2% không hay vẫn áp dụng giá cũ? Doanh nghiệp có cần làm thủ tục kê khai, đăng ký giá đã điều chỉnh không?”, VCCI đặt vấn đề.
Một số loại hàng hoá, dịch vụ có thể giảm giá 2% khá dễ dàng nhưng một số loại hàng hoá, dịch vụ có giá đã được làm tròn để dễ thanh toán thì việc điều chỉnh giá biên độ nhỏ (2%) sẽ không khả thi. Chẳng hạn, doanh nghiệp bưu chính chuyển phát đã kê khai giá 5.000 đồng/km, nếu phải giảm xuống còn 4.909 đồng/km sẽ rất khức tạp.
Với các lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn các trường hợp đang được quản lý giá khi giảm thuế VAT, theo hướng doanh nghiệp không cần làm thủ tục điều chỉnh giá và được phép áp dụng giá đã đăng ký, kê khai.
Đáng chú ý, về danh mục hàng hoá dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế VAT, theo ghi nhận, việc giảm thuế này gặp một số khó khăn, vướng mắc như cách xác định hàng hoá, dịch vụ giảm thuế VAT.
Đáng nói, mô tả hàng hoá tại Phụ lục kèm Nghị định 15/2022/NĐ-CP dựa trên Danh mục Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam hiện nay không tương ứng với mô tả hàng hoá tại Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Điều này dẫn đến khó khăn khi xác định mã HS đối với hàng hoá nhập khẩu tại các phụ lục, đặc biệt là các dòng hàng có mô tả “hàng hoá… chưa được phân vào đâu”.
Trên thực tế, các doanh nghiệp cũng phản ánh với VCCI rằng việc phân loại hàng hoá, dịch vụ nào được hưởng thuế suất 8% hay 10% theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP rất phức tạp và quá nhiều rủi ro. Các doanh nghiệp không biết mình thực hiện đúng hay sai.
Nhiều trường hợp hai doanh nghiệp mua bán hàng hoá với nhau nhưng không thống nhất được áp dụng thuế suất 8% hay 10% khiến hợp đồng không thể thực hiện được. Bản thân cơ quan thuế, cơ quan hải quan cũng lúng túng trong việc phân loại hàng hoá, dịch vụ để áp dụng.
“Điều này thậm chí còn gây nguy cơ nhũng nhiễu, tiêu cực khi doanh nghiệp bị thanh kiểm tra do cơ quan nhà nước có thể diễn giải quy định theo nhiều cách khách nhau”, VCCI quan ngại.
Cũng theo VCCI, trong dự thảo bổ sung quy định “Mã HS trong Phụ lục I và Phụ lục III chỉ để tra cứu. Việc xác định mã số HS của hàng hoá nhập khẩu thực hiện theo quy định pháp luật hải quan”.
(Mã HS là mã số phân loại hàng hóa được quy chuẩn theo quy định của Hệ thống phân loại hàng hóa do Tổ chức Hải quan thế giới WCO phát hành).
Tuy nhiên, Phụ lục I và Phụ lục III vẫn có các trường hợp không có mã HS mà được ký hiệu (*) và sẽ khai báo mã HS theo thực tế hàng hoá nhập khẩu. Đây là điểm khiến các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá gặp nhiều khó khăn vì không cơ sở để biết hàng hoá của mình đã có mã HS khi nhập khẩu có thuộc Phụ lục hay không.
Do đó, “nhiều doanh nghiệp kiến nghị nên sử dụng bảng phân loại hàng hoá nhập khẩu theo pháp luật hải quan làm cơ sở để xây dựng Phụ lục I và Phụ lục III của Nghị định này, thay cho việc sử dụng Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam”, VCCI đề xuất.
Giải pháp này có thể giúp hàng hoá nhập khẩu dễ dàng xác định được thuế suất, thay vì tình trạng hiện nay là cả hàng hoá nhập khẩu và hàng hoá trong nước đều gặp khó khăn khi xác định thuế suất.
“Trong trường hợp không kịp sử dụng bảng phân loại hàng hoá nhập khẩu, cần liệt kê đầy đủ các mã HS hàng nhập khẩu áp dụng thuế 10%. Nói cách khác, cần loại bỏ toàn bộ các trường hợp ngoại lệ được ký hiệu (*)”, VCCI lưu ý.
Cũng theo VCCI, Điều 2.2 của dự thảo quy định: “Các bộ theo chức năng, nhiệm vụ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để người tiêu dùng hiểu và được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 1 Nghị định này”.
Với lời văn như vậy, quy định này có thể dẫn đến cách hiểu rằng các bộ và UBND cấp tỉnh sẽ kiểm tra, giám sát xem doanh nghiệp có giảm giá hàng hoá tương ứng với mức giảm thuế hay không.
“Điều này không khả thi và cũng không hợp lý bởi giá cả trên thị trường sẽ được quyết định bởi sự thoả thuận giữa người mua và người bán. Do đó, cơ quan soạn thảo bỏ quy định tại Điều 2.2 của dự thảo”, VCCI kiến nghị.