Giá vàng thế giới giảm do đồng USD tăng giá sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất. Trong nước sáng nay (26/8), giá vàng miếng tái lập mốc 68 triệu đồng/lượng.
Lúc gần 10h trưa, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 67,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,02 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng tương ứng 130.000 đồng/lượng và 150.000 đồng/lượng.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 67,35 triệu đồng/lượng và 68,05 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 100.000 đồng/lượng và 200.000 đồng/lượng.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu có giá 56,13 triệu đồng/lượng và 56,98 triệu đồng/lượng, giảm 50 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại thị trường Mỹ, giá vàng giao ngay giảm 1,6 USD/oz, tương đương giảm 0,08%, còn 1.915,8 USD/oz. Mức giá này tương đương khoảng 55,7 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, giảm 150.000 đồng/lượng so với sáng qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn khoảng 12,3 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng nhẫn cao hơn khoảng 1,3 triệu đồng/lượng.
Tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn cùng tăng sau bài phát biểu của ông Powell tại hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole, Wyoming, gây áp lực giảm giá lên vàng.
Dollar Index – thước đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác – đóng cửa với mức tăng 0,2%, đạt gần 104,2 điểm, cao nhất trong 1 tuần trở lại đây. Chỉ số này đã tăng 0,6% trong tuần này và tăng 2,5% trong 1 tháng trở lại đây.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm chốt phiên ở mức 5,08%, cao nhất kể từ tháng 6/2007. Tuy nhiên, lợi suất của kỳ hạn 10 năm kết thúc phiên trong trạng thái giảm, còn 4,233%, sau khi đạt mức cao nhất 16 năm vào đầu tuần này ở mức 4,35%.
Chiến lược gia trưởng Phillip Streible của công ty Blue Line Futures nhận định bài phát biểu của ông Powell đã đặt ra sức ép giảm giá đối với thị trường kim loại quý, khi ông để ngỏ cánh cửa giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để đưa lạm phát về mục tiêu 2% của Fed.
“Nền kinh tế hiện tại có lẽ không nguội đi như dự kiến. Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đều vượt dự báo và cao hơn so với xu hướng dài hạn. Các chỉ số gần đây về tiêu dùng cũng đặc biệt mạnh mẽ. Ngoài ra, sau khi giảm tốc trong hơn 18 tháng qua, thị trường nhà đất đang có những dấu hiệu của tăng trưởng trở lại”, ông Powell – nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới – nhận định.
Dù vậy, sau bài phát biểu này, thị trường vẫn tin rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 9 và có thể chỉ tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 11 hoặc 12 rồi dừng hẳn cho tới khi bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm 2024.
Ở một góc nhìn khác, nhà phân tích độc lập Tai Wong ở New York đánh giá phản ứng của vàng với tín hiệu chính sách tiền tệ mới nhất từ ông Powell là đáng thất vọng, cho thấy nhu cầu vàng ở mức giá hiện tại là hạn chế. “Có lẽ giá vàng sẽ tiếp tục giằng co trong vùng hẹp, nhưng một mức giá đóng cửa dưới 1.900 USD/oz có thể dẫn tới sự gia tăng của lực bán”, ông nói.
Tính cả tuần này, giá vàng thế giới tăng gần 1,4%, chấm dứt chuỗi 4 tuần giảm liên tục trước đó. Trong nước, giá vàng miếng tăng khoảng 350.000 đồng/lượng tuần này, tương đương tăng hơn 0,5%. Mức giá 68 triệu đồng/lượng của vàng miếng hiện nay là cao nhất kể từ cuối tháng 1.
Báo giá USD tại Vietcombank chốt tuần ở mức 23.780 đồng (mua vào) và 24.150 đồng (bán ra), giảm 20 đồng so với sáng qua nhưng tăng 180 đồng so với cuối tuần trước.