Phát biểu tại toạ đàm “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới” diễn ra sáng nay, Tiến sĩ Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam cho biết, Tọa đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 là một sự kiện kinh tế quan trọng do Trường Đại học kinh tế quốc dân và Tạp chí Kinh tế Việt Nam đồng chủ trì tổ chức.
Kết quả Tọa đàm sẽ được các cơ quan chủ trì tổ chức chuyển giao cho Ban Kinh tế Trung ương phục vụ xây dựng báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô và tham mưu các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của Ban.
Theo TS. Chử Văn Lâm, trước tọa đàm hôm nay, các cuộc họp lắng nghe phản ánh thực trạng và tham vấn ý kiến của các Hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài, cùng một số tập đoàn doanh nghiệp lớn đã được Ban Kinh tế Trung ương tổ chức và ghi nhận nhiều thông tin giá trị. Đây cũng là cơ sở để xác định các nhóm vấn đề chính, cần bàn thảo, phân tích và đánh giá sâu hơn trong cuộc tọa đàm tập trung ngày hôm nay.
“Chúng tôi tin rằng với sự quan tâm và nhiệt thành tham dự, đóng góp các báo cáo tham luận và tham gia thảo luận của đại diện các Ban Đảng, đại diện các bộ ngành, văn phòng chính phủ; các ủy ban thuộc Quốc hội; các tổ chức quốc tế; các hiệp hội ngành hàng và hiệp hội doanh nghiệp; và đặc biệt rất nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đã cùng tham gia, tọa đàm hôm nay chắc chắn sẽ ghi nhận được nhiều thông tin giá trị, làm cơ sở tham khảo quan trọng cho các cơ quan hoạch định chính sách, đáp ứng mục tiêu phát triển của Việt Nam trong thời gian tới”, TS. Chử Văn Lâm nhấn mạnh.
Với sự hợp tác chiến lược của 3 cơ quan: Ban Kinh tế Trung ương, là cơ quan đầu mối xây dựng, theo dõi giám sát và đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết kinh tế quan trọng của Đảng; Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, là cơ quan hội tụ các chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu kinh tế uy tín của Việt Nam; và Tạp chí Kinh tế Việt Nam là cơ quan báo chí kinh tế hàng đầu Việt Nam, phụng sự sứ mệnh thông tin và truyền thông kinh tế, sẽ tạo sự thông hiểu giữa các bên liên quan trong việc thực chi chính sách, thúc đẩy sự tăng trưởng của các ngành kinh tế, các khu vực doanh nghiệp vì sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam.
“Với mục tiêu hội tụ và kết nối sức mạnh giúp các bên thực hiện tốt hơn vai trò sứ mệnh của mình, đồng thời đóng góp giá trị thiết thực và hiệu quả hơn nữa từ cả góc độ chính sách và hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp và người dân, 3 cơ quan mong muốn thiết lập cơ chế gặp gỡ, trao đổi và phản hồi thông tin hàng quý. Đây sẽ là các tọa đàm trao đổi cởi mở, thẳng thắn, tích cực và hữu ích giữa đại diện các cơ quan quản lý, các cơ quan hoạch định chính sách, các chuyên gia, các đối tác quốc tế, các hiệp hội ngành hàng và các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và doanh ngiệp FDI. Vì vậy, chúng tôi mong, nhận được sự ủng hộ và đồng hành của tất cả quý vị”, TS. Chử Văn Lâm phát biểu.
Chúng ta đã đi được nửa chặng đường của năm 2023 với sự kiên cường trước rất nhiều khó khăn và thách thức của cả bối cảnh quốc tế và trong nước. Kết quả 6 tháng đầu năm, dù chưa được như kỳ vọng, chưa đạt được mục tiêu đề ra, tuy nhiên trước các diễn biến phức tạp và khó lường hơn dự liệu, trên bình diện tổng thể, Việt Nam vẫn là một điểm sáng của khu vực Châu Á và thế giới. Đạt được kết quả này là sự quyết tâm rất cao của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp các khu vực kinh tế, trong suốt thời gian qua.
Nửa cuối năm 2023, dù đã có những điểm sáng xuất hiện, tuy nhiên xét trên bình diện quốc tế vẫn còn nhiều biến động phức tạp, khó lường, khó dự báo, trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, mức độ tổn thương cao. Xét trên bình diện trong nước, mặc dù với tinh thần quyết tâm cao, tuy nhiên thời gian qua nội tại nền kinh tế của chúng ta cũng đã bộc lộ nhiều điểm yếu, cả trong công tác quản lý, điều hành và năng lực ứng phó, vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Điều này cần có sự theo sát, nhận định sớm các yếu tố liên quan để chuẩn bị các giải pháp đồng bộ, tổng thể và toàn diện nhằm giảm thiểu các tác động không mong muốn đến nền kinh tế và hoạt động của các ngành, các khu vực doanh nghiệp.
“Với ý nghĩa đó, tôi tin rằng với sự nhiệt thành chuẩn bị các báo cáo tham luận của các chuyên gia và bộ ngành, cũng như sự tham gia ý kiến phân tích, đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các hiệp hội và doanh nghiệp, Tọa đàm hôm này sẽ thành công và mang lại nhiều giá trị thiết thực”, TS. Chử Văn Lâm nhấn mạnh.