Theo nguồn tin từ tờ báo Financial Times, nhà chức trách Trung Quốc đang yêu cầu các cá nhân thu nhập cao và doanh nghiệp rà soát lại các nghĩa vụ thuế chưa thực hiện, một động thái có thể đe dọa kéo tụt hơn nữa niềm tin của nhà đầu tư tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
TỰ THANH KIỂM TRA NGHĨA VỤ THUẾ
Cụ thể, người giàu và doanh nghiệp tại Trung Quốc những tháng gần đây được yêu cầu “tự thanh kiểm tra” lại các nghĩa vụ thuế của mình và tự khai báo các khoản chưa thanh toán. Điều này diễn ra trong bối cảnh các chính quyền địa phương tìm đủ cách để tăng nguồn thu bù đắp cho thất thu thuế bất động sản.
Nỗ lực thu thuế cũng được thực hiện trong bối cảnh Bắc Kinh chuẩn bị công bố chi tiết chương trình kích thích lớn bằng chính sách tài khóa trong tuần này. Theo dự báo, chương trình này sẽ tập trung vào vực dậy tình hình tài chính của các chính quyền địa phương.
Được công bố vào tháng 9, chương trình kích thích kinh tế nói trên đang nhận được sự kỳ vọng lớn sẽ giúp vực dậy niềm tin của các hộ gia đình cũng như nhà đầu tư tại Trung Quốc sau mấy năm chìm trong áp lực giảm phát do cuộc khủng hoảng bất động sản. Chương trình được công bố sau khi tăng trưởng kinh tế quý 3 của nước này không đạt kỳ vọng, khiến mục tiêu 5% cho cả năm càng khó đạt được.
“Yêu cầu rà soát thuế làm dấy lên tâm lý bất an, thậm chí lo sợ, trong giới giàu ở nhiều thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thẩm Quyến”, một công ty thuế có trụ sở tại Trung Quốc cho biết. “Một số người thực sự không biết phải làm gì khi được yêu cầu tự thanh kiểm tra. Nhiều người trước đây không biết rằng thu nhập cá nhân của họ ở nước ngoài phải chịu thuế ở Trung Quốc”.
Theo thông báo từ một thành phố mà Financial Times có được, các công ty không phát hiện sai phạm trong quá trình tự kiểm tra được yêu cầu gửi “giấy cam kết đóng dấu” và lưu lại bằng chứng về quá trình tự thanh kiểm tra.
Một nguồn tin thân cận của Fincancial Times cho biết nhà chức trách cũng yêu cầu các cá nhân bắt đầu nộp thuế truy thu, bao gồm thuế với các khoản lợi nhuận đầu tư cá nhân từ nước ngoài. Trong một số trường hợp, nhà chức trách dẫn một điều khoản pháp lý ít được sử dụng từ năm 2019.
Bắc Kinh cũng như các chính quyền địa phương đang cố gắng tăng nguồn thu, bao gồm tăng các vụ phạt tiền trong lĩnh vực tư nhân, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kéo dài 3 năm đã giáng một đòn mạnh vào nền tài chính công của các địa phương và làm xói mòn niềm tin của các hộ gia đình và nhà đầu tư.
Doanh thu từ bán đất của địa phương – một trong các nguồn thu chính – đã giảm gần 25% trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước. Thu thuế trên toàn quốc cũng giảm 5,3% trong cùng kỳ. Tổng thu ngân sách của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước xuống còn khoảng 16,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (2,3 nghìn tỷ USD).
“Rõ ràng các chính quyền địa phương đang thiếu tiền”, giám đốc của một công ty sản xuất cỡ vừa tại Suzhou, một trung tâm công nghiệp của Trung Quốc nằm gần Thượng Hải, nhận xét và cho biết chính quyền thường xuyên phạt nặng các công ty trong khu vực của ông.
“Thâm hụt tài khóa của Trung Quốc đã đạt đến điểm bùng phát”, ông Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao tại Natixis, nhận xét. “Các địa phương ngày càng cấp bách phải tìm nguồn thu thay thuế và việc đánh thuế người giàu và doanh nghiệp sẽ gây ít tác động trực tiếp tới người dân hơn”.
Còn theo ông Kher Sheng Lee, đồng giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Alternative Investment Management Association, động thái tăng “thu thuế nghiêm ngặt hơn” của Bắc Kinh là “thực tế và cần thiết trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt nhiều cơn gió ngược”. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu việc này được mở rộng, niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Trung Quốc sẽ càng suy sụp thêm.
Những tháng gần đây, nhiều công ty niêm yết tại Trung Quốc đưa ra thông báo thuế. Tháng trước, Hisun Pharmaceutical cho biết phát hiện đang nợ thuế và tiền chậm nộp thuế tổng cộng 18 triệu nhân dân tệ sau quá trình “tự thanh kiểm tra”.
Còn công ty Allgens Medical tại Bắc Kinh vào tháng 9 đã nộp 8 triệu nhân dân tệ tiền thuế sau khi cơ quan thuế thành phố thông báo “các mối lo ngại về rủi ro thuế” từ nhiều năm trước để công ty tự thanh kiểm tra. Sau quá trình tự kiểm tra, công ty Guizhou Gas cũng nộp thêm 20 triệu nhân dân tệ tiền thuế.
GÂY TỔN HẠI TINH THẦN DOANH NGHIỆP
Bên cạnh việc yêu cầu tự thanh kiểm tra, các chính quyền địa phương cũng phạt tiền với nhiều doanh nghiệp. Năm ngoái, 7/16 tỉnh thành ghi nhận sự gia tăng đáng kể tiền thu từ các khoản phạt và sung công. Trong đó, Trùng Khánh và Bắc Kinh tăng lần lượt 22,4% và 21,9% các vụ việc như vậy – theo hãng truyền thông Yicai. Nhiều chính quyền địa phương đã dừng công bố tiền thu phạt do sự tăng lên “bất thường” những tháng gần đây.
“Những việc thế này – cụ thể là việc chính quyền địa phương tăng phạt tiền và đẩy mạnh thu thuế – đang diễn ra mỗi ngày và gây tổn hại tinh thần của doanh nghiệp”, một giáo sư kinh tế tại Bắc Kinh nhận định với Financial Times.
Trung Quốc có cơ quan thuế trung ương, nhưng cán bộ thuế tại chi cục thuế địa phương thường phụ trách xử lý vấn đề thuế với các cá nhân và công ty đăng ký tại địa phương.
Cơ quan thuế trung ương Trung Quốc hồi tháng 6 cho biết họ không triển khai bất kỳ chương trình thanh tra thuế nào trên toàn quốc và chỉ gửi thông báo định kỳ tới một số công ty để đảm bảo việc tuân thủ thuế. Tuy vậy, Bắc Kinh gần đây tiến hành nâng cấp hệ thống giám sát thuế để chia sẻ dữ liệu hiệu quả hơn giữa các cơ quan chính phủ, tổ chức tài chính và các cơ quan thuế. Đây được đánh giá nhằm tăng cường kiểm soát và thực thi pháp luật thuế chặt chẽ hơn.
Theo ông Ng của Natixis, việc nỗ lực tăng thu thuế từ giới giàu và doanh nghiệp tư nhân “có thể chưa đủ” và nhà chức trách có thể cuối cùng sẽ vẫn cân nhắc tới việc thu thuế liên quan tới bất động sản và mở rộng cơ sở thu thuế.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/trung-quoc-siet-thue-voi-nha-giau-va-doanh-nghiep-tu-nhan.htm