Thông tin về công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, Tổng cục Thuế cho biết, tổng số tiền thuế nợ do ngành thuế quản lý ước tính đến ngày 31/8/2023 là 153.693 tỷ đồng.
“Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ ước tính đến thời điểm 31/8/2023 là 131.448 tỷ đồng, tăng 0,3% so với thời điểm ngày 31/7/2023, tăng 3,7% so với thời điểm ngày 31/12/2022”.
Tổng cục Thuế.
Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng không thuận lợi.
Điều này khiến số nợ thuế có xu hướng tăng lên qua các tháng và tác động bất lợi đến việc thực hiện xử lý thu hồi nợ thuế.
Đáng chú ý, theo số liệu tổng hợp tiền thuế nợ trên Hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS), một số cục thuế có tiền nợ thuế tăng cao so với thời điểm ngày 31/12/2022.
Trong bối cảnh này, một mặt, cơ quan thuế các cấp tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành các chính sách về thuế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người nộp thuế duy trì sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho người nộp thuế được gia hạn nợ thuế, nộp dần tiền thuế và miễn tiền chậm nộp, xóa nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và nghị định, nghị quyết của Chính phủ.
Mặt khác, trong công tác tăng cường quản lý nợ thuế, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế cũng ban hành Công văn số 46/TCT-QLN ngày 9/1/2023 giao chỉ tiêu thu nợ, xử lý nợ và tiền thuế nợ năm 2023 cho cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thu nợ theo tháng, quý và giao chỉ tiêu thu nợ, gắn trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị với nhiệm vụ thu hồi nợ thuế của đơn vị.
Để kéo giảm nợ thuế, ngày 18/8 vừa qua, Tổng cục Thuế tiếp tục có văn bản yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý, thu hồi tiền thuế nợ.
Theo đó, các cục thuế phải tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý, thu hồi tiền thuế nợ, không để nợ thuế dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh.
Đây là mục tiêu nhằm góp phần phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023, giảm nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2023.
Cùng đó, rà soát, đảm bảo phân loại nợ đúng theo tính chất của từng khoản; hồ sơ phân loại nợ phải đầy đủ theo hướng dẫn tại quy trình quản lý nợ thuế.
“Trường hợp sau khi rà soát, phát hiện khoản nợ đã phân loại chưa đầy đủ hồ sơ, chưa đúng tính chất nợ thì cục thuế phải hoàn thiện hồ sơ phân loại hoặc thực hiện phân loại lại để đảm bảo số liệu tiền thuế nợ theo dõi trên hệ thống TMS được phân loại đúng tính chất nợ và có đầy đủ hồ sơ”, văn bản Tổng cục Thuế yêu cầu.
Về việc đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế, Tổng cục Thuế nhấn mạnh việc sẽ thông báo danh sách chi tiết người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/7/2023 trên địa bàn cục thuế quản lý.
Đối với người nộp thuế chỉ có tiền thuế nợ dưới 90 ngày, Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị thực hiện ngay các biện pháp như: gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử, mời lên làm việc, ban hành thông báo tiền thuế nợ, từ đó, đôn đốc người nộp thuế nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước, không để nợ thuế dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh.
“Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế nợ thuộc trường hợp phải cưỡng chế, các cục thuế phải áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước”, Tổng cục Thuế lưu ý.
Trường hợp quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà người nộp thuế chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước thì phải kịp thời chuyển sang áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp, đúng quy định.
Cũng theo Tổng cục Thuế, thời gian qua, ngành thuế triển khai điện tử hóa, số hóa trong áp dụng quản lý công tác quản nợ và cưỡng chế nợ thuế như: triển khai ứng dụng khai thác các báo cáo nợ thuế theo ngày; thiết kế, sửa đổi và nâng cấp các mẫu báo cáo giám sát công tác quản lý nợ và công nghệ thông tin.
Đồng thời, xây dựng công cụ cảnh báo đối với từng địa phương nợ tăng, có các khoản nợ tăng bất thường để phát hiện, rà soát, xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế tối đa việc phát sinh nợ sai, nợ ảo.
Tổng cục thuế cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện phân loại các khoản nợ thuế chính xác và theo đúng hướng dẫn tại quy trình quản lý nợ thuế để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp; đẩy mạnh việc đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp nợ thuế dây dưa kéo dài.