Nhắc lại cuộc trò chuyện với các chuyên gia quốc tế hồi đầu tuần trước xung quanh câu chuyện tìm một cụm từ có thể khái quát bức tranh toàn cảnh kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nửa đầu năm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia kể rằng có chuyên gia chọn cụm từ “thời buổi cạnh tranh chiến lược”, lại có người chọn “chiến tranh lạnh”… Cuối cùng, một cụm từ khá thú vị được hầu hết các chuyên gia đồng tình đó là “khủng hoảng đa tầng”, bởi cụm từ này phản ánh được hầu hết những khủng hoảng chồng chất mà thế giới đang cùng lúc đối mặt.
Chịu tác động từ bối cảnh u ám, khủng hoảng chồng chéo của kinh tế thế giới, chia sẻ tại Đối thoại tháng 7: “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán”, TS. Cấn Văn Lực nêu bật 4 rủi ro, thách thức chính của năm 2023 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam.
Bốn rủi ro chính bao gồm: (i) xung đột địa chính trị kéo dài và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; (ii) sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sỹ làm tăng rủi ro thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu, rủi ro nợ xấu và vỡ nợ gia tăng; (iii) rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu; (iv) giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm nhưng còn ở mức cao, rủi ro tài chính tiền tệ tăng khiến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu mong manh hơn và tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính của Việt Nam.
Kinh tế thế giới “phả hơi nóng” cùng những khó khăn, thách thức nội tại khiến nửa đầu năm 2023, GDP tăng trưởng thấp ở mức 3,72%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ đề ra là 6,2% tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực, rủi ro bên ngoài khi kinh tế thế giới suy thoái nhẹ, cục bộ khiến thị trường xuất khẩu tiếp tục đà suy giảm dù có phần chậm lại (giảm 15,2%). Sản xuất công nghiệp bị thu hẹp, giảm 1,2% so cùng kỳ và Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất ở mức thu hẹp, duy trì dưới 50 điểm nhiều tháng liên tiếp, ngoại trừ tháng 2/2023 ở mức 51,2 điểm, trong tháng 6/2023 đạt 46,2 điểm. Cùng với đó, thu hút vốn FDI kém khả quan khi vốn đăng ký giảm 4,3%, giải ngân FDI tăng nhẹ 0,5%. Những khó khăn dồn dập khiến thu ngân sách nhà nước giảm 7,8% vì kinh tế tăng trưởng thấp, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, mặt bằng lãi suất đang giảm nhưng còn cao, tính đến cuối tháng 6, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1-1,2% so với cuối năm 2022. Rủi ro thị trường tài chính tiền tệ quốc tế tăng cũng tác động tiêu cực đến Việt Nam.
Theo nhìn nhận của ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), hiện nay lực cầu nền kinh tế rất khó khăn và cả ba động lực tăng trưởng đều sụt giảm.
Một, chi tiêu đầu tư công vẫn không đạt kế hoạch đề ra, khó tạo ra sức lan tỏa lôi kéo đầu tư khu vực tư nhân. Không có đầu tư tư nhân rất khó tăng trưởng tín dụng.
Hai, “xuất khẩu đang sụt giảm, tài khoản vãng lai mặc dù thặng dư nhưng là mối lo lớn vì tốc độ xuất nhập khẩu giảm nhanh, đặc biệt là tốc độ nhập khẩu giảm nhanh hơn so với xuất khẩu nên mới thặng dư thương mại. Kéo theo đó, tốc độ đầu tư giảm, tín dụng giảm và dẫn đến tăng trưởng GDP bị đình trệ”, đại diện Ngân hàng Nhà nước phân tích.
Ba, về tiêu dùng trong nước, khi kim ngạch xuất nhập khẩu giảm đã tác động đến tổng cung, việc làm không được duy trì, thu nhập sụt giảm cũng ảnh hưởng đến tiêu dùng.
Những khó khăn của nền kinh tế tạo sức ép đến doanh nghiệp. Chi phí đầu vào (bao gồm chi phí nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, logistics, lãi vay) đang giảm dần nhưng còn ở mức cao, trong khi đó, đầu ra bị thu hẹp, đơn hàng giảm mạnh, một số lĩnh vực chỉ mới có tín hiệu phục hồi đơn hàng từ đầu quý 3/2023. Thị trường lao động thay đổi nhiều sau dịch bệnh, trong khi nhiều doanh nghiệp chưa theo kịp, vẫn xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, chỗ thiếu nơi thừa, việc làm, thu nhập bị giảm…
Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng nguyên nhân gây nên khó khăn đối với doanh nghiệp chủ yếu do năm nay kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, lạm phát, lãi suất dần hạ nhiệt nhưng đang ở mức cao… khiến nhu cầu thương mại, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu giảm. Trong khi đó, ở trong nước, với một nền kinh tế có độ mở lớn, sức chống chịu còn thấp cùng với những khó khăn, bất cập nội tại… tác động tiêu cực đến nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam, chưa kể các doanh nghiệp yếu đi nhiều sau 3 năm chống chịu với dịch Covid-19.
Nguyên nhân chủ quan đến từ môi trường vĩ mô nội tại và bản thân doanh nghiệp. Theo vị chuyên gia này, nền tảng vĩ mô của chúng ta đang khá tốt nhưng sức chịu đựng với các cú sốc bên ngoài còn yếu, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào khối FDI chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu. Công nghiệp phụ trợ yếu khiến doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu; lãi suất cho vay mặc dù giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.
Trong khi đó, bản thân doanh nghiệp bộc lộ nhiều điểm yếu, hạn chế do năng lực quản trị còn yếu, năng lực dự báo tình hình hạn chế; năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp còn thấp, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thấp, mức độ không sâu nên dễ bị thay thế, hoặc cắt bỏ trong bối cảnh khó khăn. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao, đầu tư dàn trải…
“Trong bối cảnh bình thường, cải cách thể chế giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân thuận lợi hơn, từ đó nâng cao tính cạnh tranh. Trong bối cảnh hiện nay, cải cách thể chế thậm chí còn quan trọng hơn bao giờ hết khi tạo ra tác động “kép”, bên cạnh lợi ích thông thường. Bởi từ trước đến nay, khi nhắc đến cải cách thể chế chủ yếu liên quan đến công cuộc đơn giản hóa và cắt giảm thủ tục hành chính, từ đó, tiết giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính, điều này chỉ quan trọng một phần; quan trọng hơn, cải cách thể chế còn giúp cắt giảm chi phí tuân thủ, đôi khi chi phí tuân thủ lớn hơn rất nhiều chi phí hành chính.
Chẳng hạn, khi phải tuân thủ quy định về phòng cháy chữa cháy, doanh nghiệp, người dân phải chuẩn bị nhiều giấy tờ, như vậy, chi phí thực hiện thủ hành chính có thể bao gồm: lệ phí, chi phí nhân công chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ, theo tôi, chi phí này không quá lớn nếu như tính giá trị bằng tiền. Thế nhưng, để có được một bộ hồ sơ hoàn thiện, doanh nghiệp và người dân phải tuân thủ các tiêu chuẩn, điều kiện phòng cháy chữa cháy và phải bỏ tiền đầu tư mua sắm trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, chi phí này có thể rất lớn và không được nhận diện một cách rõ ràng.
Từ những phân tích trên, trong bối cảnh hiện nay, ngoài tác động thông thường mà cải cách thể chế đem lại, có thêm tác động “kép”: thứ nhất, san sẻ bớt những khó khăn về chi phí tuân thủ, chi phí đầu tư mà cộng đồng doanh nghiệp, người dân đang phải đối mặt trong bối cảnh rất khó khăn về dòng tiền; thứ hai, cải cách thể chế nâng cao khả năng hấp thụ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Hiện có nhiều chính sách hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ, nhưng nếu như cải cách thể chế chậm hoặc còn khó khăn, vướng mắc, vô hình chung sẽ làm giảm hiệu quả hoặc cản trở thực thi chính sách.
Thách thức lớn nhất hiện nay là quyết sách và giải pháp về cải cách thể chế có lẽ không thiếu, đặc biệt, trong hai tuần gần đây, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ ban hành liên tiếp hai văn bản có phạm vi hỗ trợ rất rộng và đều nhắm tới xử lý những bất cập về thể chế. Cụ thể, ngày 13/7/2023, Thủ tướng ký ban hành Công điện 644/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Ngay sau đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Bên cạnh cải cách thể chế, các quyết sách khác cũng cần thực thi nhanh, đầy đủ và hiệu quả trên thực tế, đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là một thách thức rất lớn trong bối cảnh hiện nay”.
Trong bối cảnh chồng chất khó khăn, Chính phủ nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các thị trường, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô giúp nhiều lĩnh vực giữ được đà tăng trưởng, tạo cơ sở cho sự phục hồi tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm và năm tới.
Cụ thể, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều quyết sách nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Quốc hội và Chính phủ cũng ban hành nhiều quyết sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực y tế, các thị trường đất đai, bất động sản, vốn, du lịch, điều hành chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và chính sách tiền tệ nới lỏng thận trọng…
Theo đó, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm với việc ban hành Nghị định 12/NĐ-CP ngày 14/4/2023 cho phép giãn hoãn thuế, tiền thuê đất năm 2023; Quốc hội quyết nghị và Chính phủ ban hành Nghị định 44/NĐ-CP ngày 30/6/2023 về việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2023…, tổng giá trị gói tài khóa khoảng 200.000 tỷ đồng.
Chính sách tiền tệ chuyển từ “chặt chẽ, chắc chắn” sang “linh hoạt, nới lỏng”. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước 4 lần giảm lãi suất điều hành nhằm định hướng giảm lãi suất huy động và cho vay, góp phần tăng khả năng tiếp cận và cung ứng vốn cho nền kinh tế. Đến nay, mặt bằng lãi suất bình quân giảm khoảng 1-1,2% so với đầu năm. Trong thời gian tới, dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục giảm khi việc giảm lãi suất điều hành thẩm thấu hơn và theo chỉ đạo chung của Chính phủ (phấn đấu giảm 1,5-2%), cùng với nỗ lực giảm chi phí và cân đối vốn của các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách khác cũng được ban hành nhằm hóa giải khó khăn. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ, nhằm kiểm soát nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp và Thông tư 03/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 16/2021 nới lỏng một số điều kiện về cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn hiện tại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cùng với đó, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng của 4 ngân hàng thương mại lớn cho vay nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi, thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất thị trưởng và gói tín dụng 15 nghìn tỷ đồng cho vay lâm, thủy sản cũng chính thức được hướng dẫn triển khai.
Đối với đầu tư công, ngày 14/3/2023, Chính phủ ban hành Quyết định số 235/QĐ-TTg thành lập 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công tại các bộ, ngành và địa phương. Ngày 23/3/2023, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội 2022-2023. Tuy nhiên, với mục tiêu rất cao của năm nay là 711 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng giao, đòi hỏi các tổ chức, cá nhân người đứng đầu tiếp tục nỗ lực hơn nữa.
Nhờ những nỗ lực kể trên, theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực, khu vực dịch vụ phục hồi tốt, tiêu dùng trong nước duy trì đà tăng trưởng tích cực khi tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp 60% cho tăng trưởng thay vì tỷ trọng 30-40% những năm trước, từ đó, trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh, tăng 20,5% về con số tuyệt đối so với cùng kỳ. Kết quả trong 6 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công đạt được kết quả tích cực với mức thực hiện từ nguồn ngân sách trong 6 tháng ước đạt 232,2 nghìn tỷ đồng, bằng 33% kế hoạch năm. Cũng trong nửa đầu năm, cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về xuất siêu, cao hơn nhiều so với con số xuất siêu cùng kỳ năm trước (1,2 tỷ USD).
Về lạm phát, TS. Cấn Văn Lực bày tỏ sự yên tâm khi giá cả thế giới đang giảm, cầu sụt giảm, cung tiền M2 trong 6 tháng tăng thấp 2,68%, thấp hơn so với mức 3,8% cùng kỳ năm trước và thấp hơn rất nhiều mức 7% của năm 2019. Vòng quay tiền rất chậm, chỉ 0,67 lần. Cùng với đó, tỷ giá cơ bản ổn định và đa số đồng tiền sẽ tăng giá trở lại vì Fed sẽ khó tăng lãi suất nữa, đồng VND dự báo giảm giá 0,5% từ mức hiện tại 0,11% và năm tới có thể tăng 1%, vẫn hoàn toàn trong tầm kiểm soát.
Ngoài ra, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng được đẩy mạnh. Công tác hoàn thiện thể chế được thúc đẩy cùng nỗ lực sửa đổi 18 luật như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tổ chức tín dụng, Luật Giá,… cùng các nghị quyết được bàn thảo thời gian tới. Rõ ràng, cơ hội trước mắt và lâu dài thời gian tới được mở ra.
Tuy nhiên, “các động lực tăng trưởng trước đây liệu có được duy trì trong năm 2023-2024”, vị chuyên gia này trăn trở. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ thời gian qua tung nhiều “chiêu”, trong đó có giảm lãi suất cùng nhiều chính sách gỡ khó khác được ban hành, nhưng quan trọng hơn là khả năng hấp thụ nền kinh tế.
Đề cập đến giải pháp thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực đề xuất:
Một, nghiêm túc thực hiện các nghị quyết, nghị định, quyết sách gần đây của Quốc hội và Chính phủ nêu trên.
Hai, thúc đẩy các động lực tăng trưởng. Cụ thể: (i) đẩy mạnh giải ngân chương trình phục hồi và đầu tư công, nếu giải ngân được 95% tổng vốn 711 nghìn tỷ đồng sẽ đóng góp 2 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP năm 2023; (ii) kích cầu tiêu dùng nội địa, tiêu dùng tăng thêm 1 điểm phần trăm sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2 điểm phần trăm; (iii) kích cầu du lịch cả quốc tế và trong nước; (iv) quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TP.HCM do hai thành phố này đóng góp khoảng 39% tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 và có tính lan tỏa cao…
Ba, tiếp tục phối hợp chính sách hiệu quả, đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, xây dựng, bất động sản, lao động… góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. “Chính sách tài khóa, tiền tệ “vỗ hai tay” và phối hợp nhuần nhuyễn hơn. Bên cạnh đó, chú trọng chính sách kích cầu nhưng tổng cung không tháo gỡ về mặt chính sách, cơ chế pháp lý thì không hiệu quả”, ông Lực lưu ý.
Bốn, quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là bốn vướng mắc chính: pháp lý (chủ yếu vướng mắc thực thi công vụ do đội ngũ công chức hiện trì trệ); tài chính (về khả năng tiếp cận và năng lực hấp thụ vốn, nghĩa vụ tài chính); giảm chi phí đầu vào và tìm đầu ra, đơn hàng; giữ chân người lao động.
Năm, đẩy nhanh hoàn thiện thể chế cho mô hình kinh tế mới, chú trọng khâu thực thi và tháo gỡ rào cản để phát triển kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng…
VnEconomy 02/08/2023 08:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 31-2023 phát hành ngày 31-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây.
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam