Ông Nguyễn Cảnh Toàn sinh năm 1976 (47 tuổi), quê quán Nghệ An, chuyên viên cao cấp, trình độ thạc sỹ quản trị nguồn nhân lực, cao cấp lý luận chính trị.
Trước khi được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Toàn là Uỷ viên Ban cán sự Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp). Trước đó, trong quá trình công tác, ông Toàn kinh qua các chức vụ và vị trí công tác tại một số vụ tham mưu của cơ quan Kiểm toán Nhà nước trước khi được điều động, bổ nhiệm Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Ban Kinh tế Trung ương).
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ được giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014, Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu tập trung vào hai mảng công tác lớn về: quản lý dòng vốn và quản lý nhân sự tại doanh nghiệp nhà nước.
Căn cứ Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2018 của Chính phủ, Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 29/9/2018.
Sau gần 5 năm thành lập, Ủy ban Quản lý vốn đạt được những thành tích, kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ được giao; ngày một chuyên nghiệp hơn trong thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc.
Theo đánh giá, nửa đầu năm, trước tình hình biến động cả trong và ngoài nước, xung đột Nga -Ukraine kéo dài, chính sách tiền tệ thắt chặt trên quy mô toàn cầu do lạm phát tiếp tục ở mức cao và nhiều thay đổi trong chính sách điều hành vĩ mô của các nước trên thế giới và Việt Nam, đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình hoạt động của Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty.
Ước tính kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 580.490 tỷ đồng, đạt 53,7% kế hoạch năm và tăng 4% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận trước thuế (không tính EVN) đạt 18.195 tỷ đồng (56,7% kế hoạch năm); tổng nộp ngân sách đạt 33.520 tỷ đồng, tăng 2 % so với cùng kỳ.
Về cơ bản, nửa đầu năm, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh tổng hợp của 19 tập đoàn, tổng công ty ghi nhận sự tăng trưởng; một số tập đoàn, tổng công ty đạt hiệu quả cao, tăng trưởng khá nhanh.
Thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh, các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục giữ vị trí, vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng; bảo đảm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, các cân đối lớn cho nền kinh tế.
Các đơn vị cũng đẩy mạnh đầu tư phát triển; trong đó, nhiều dự án lớn, quan trọng có tính kết nối, lan tỏa, tạo tiền đề và động lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của cả nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, viễn thông, công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Với vai trò đại diện vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp, Ủy ban nỗ lực tối đa, chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư; quản lý, sử dụng vốn nhà nước, sát cánh cùng 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Để hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2023, Uỷ ban Quản lý vốn tiếp tục chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư, sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp năm 2023 ở mức cao nhất; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, đạt giá trị giải ngân vốn đầu tư cao nhất có thể đối với các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án lớn, quan trọng trong lĩnh vực năng lượng, hạ tầng giao thông quốc gia.