Tổng cục Thống kê cho biết, thu ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2023 ước giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi ngân sách nhà nước ước tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2023 cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 11/2023 ước đạt 126,9 nghìn tỷ đồng và sụt giảm trên 25% so với tháng trước, tương ứng 42,6 nghìn tỷ đồng.
Lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2023 ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán năm và giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, trong tháng cuối cùng của năm, cả nước chỉ phải thu thêm 83.000 tỷ đồng để hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước được giao. Mục tiêu này theo tính toán là khả thi.
Dù thu ngân sách nhà nước ước hoàn thành dự toán nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các khoản thu sụt giảm. Cụ thể, thu nội địa tháng 11/2023 ước đạt 106,1 nghìn tỷ đồng, lũy kế 11 tháng năm 2023 ước đạt 1.272,7 nghìn tỷ đồng, bằng 95,4% dự toán năm và giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.
Thu từ dầu thô tháng 11/2023 ước đạt 5,1 nghìn tỷ đồng, lũy kế 11 tháng năm 2023 ước đạt 57,1 nghìn tỷ đồng, vượt 35,9% so với dự toán đề ra nhưng giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 11/2023 ước đạt 15,7 nghìn tỷ đồng, lũy kế 11 tháng năm 2023 ước đạt 206,8 nghìn tỷ đồng, tốc độ thu rất chậm, mới bằng 86,5% dự toán năm và giảm sâu nhất, lên tới 22,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cuối tháng 11, lãnh đạo Tổng cục Thuế trực tiếp làm việc với hai đơn vị chịu trách nhiệm thu ngân sách nhà nước lớn, đó là Cục Thuế TP. Hà Nội và Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh để đốc thúc thu ngân sách cuối năm.
Lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đánh giá tình hình thu ngân sách nhà nước chưa đạt kết quả như kỳ vọng, với tổng số thu giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022, nguyên nhân chính là tăng trưởng kinh tế trong và ngoài nước gặp rất nhiều khó khăn.
Như vậy, thời gian còn lại của năm 2023, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh sẽ phải nỗ lực rất nhiều và cần có những giải pháp hiệu quả để rà soát lại các khoảng thu, tối đa nguồn thu.
Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2023, một trong những biện pháp mà Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đặt ra là đôn đốc thu đủ các khoản thu thường xuyên. Đồng thời, tổ chức ra soát kỹ các báo cáo tài chính, nắm bắt kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại… nhằm đôn đốc tạm nộp thuế đúng với thực tế phát sinh; kịp thời thu các khoản thuế từ cổ tức, lợi nhuận còn lại.
Cùng với đó, tập trung thu những khoản thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn, tránh tình trạng phát sinh số tiền nợ thuế, tiền phạt chậm nộp thuế.
Với Hà Nội, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thủ đô 11 tháng năm 2023 ước thực hiện 372 nghìn tỷ đồng, đạt 105,4% dự toán pháp lệnh năm và tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, thu nội địa 346,2 nghìn tỷ đồng, đạt 106,9% dự toán và tăng 22,3% so cùng kỳ với năm 2022. Thu từ dầu thô 4 nghìn tỷ đồng, đạt 190,2% và tăng 49,6%. Còn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 21,8 nghìn tỷ đồng, đạt 80,6% và giảm 7,1%.
Dù về đích sớm so với dự toán được giao nhưng nhiều khoản thu trên địa bàn Hà Nội ghi nhận tốc độ thu rất ì ạch, có thể kể đến như: thu tiền sử dụng đất đạt 10,1 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 59,4% dự toán và giảm 15,5% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, thu lệ phí trước bạ 5,8 nghìn tỷ đồng, đạt 69,6% dự toán và giảm 23,9% cùng kỳ…
Cục Thuế TP. Hà Nội tiếp tục tập trung triển khai ngay các giải pháp chống thất thu, tăng cường công tác quản lý thu và phấn đấu đạt kết quả thu ngân sách nhà nước ở mức cao nhất.
Ở chiều ngược lại, theo Tổng cục Thống kê, tổng chi ngân sách nhà nước tháng 11/2023 ước đạt 158,2 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2023 ước đạt 1.502,9 nghìn tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán năm và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, chi thường xuyên 11 tháng năm 2023 ước đạt 953 nghìn tỷ đồng, bằng 81,3% dự toán năm và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Chi đầu tư phát triển đạt gần 461 nghìn tỷ đồng, bằng 63,4% và tăng 36,3%. Còn chi trả nợ lãi 86,4 nghìn tỷ đồng, bằng 84% và tăng 3,4%.
Như vậy, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tuy nhiên, tính hết tháng 11, ngân sách nhà nước chỉ còn duy trì thặng dư 34,7 nghìn tỷ đồng và ngày càng co hẹp so với những tháng trước đó.