Theo Thông tư 08/2023/TT-NHNN, các đối tượng áp dụng quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh gồm: người cư trú là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là bên đi vay nước ngoài (bên đi vay); tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nơi bên đi vay mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài (ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản).
VAY NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ TRẢ CHẬM KHÔNG CẦN ÁP DỤNG ĐIỀU KIỆN TẠI THÔNG TƯ 08
Đồng thời, việc áp dụng điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan như sau.
Bên đi vay vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế ngoài việc đáp ứng điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh, phải tuân thủ quy định của pháp luật về chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Bên đi vay là doanh nghiệp nhà nước ngoài việc đáp ứng điều kiện vay, phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thông tư 08/2023/TT-NHNN quy định, bên đi vay vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm không phải tuân thủ các điều kiện vay nước ngoài quy định tại Thông tư này.
Bên đi vay vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm chịu trách nhiệm tuân thủ quy định hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, các quy định của pháp luật về thương mại, quản lý ngoại thương và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Về nguyên tắc sử dụng vốn vay nước ngoài, bên đi vay chịu trách nhiệm toàn diện trong việc sử dụng vốn vay nước ngoài đúng mục đích hợp pháp.
Trường hợp khoản vay đã được rút vốn nhưng tạm thời chưa sử dụng cho các mục đích vay nước ngoài hợp pháp, bên đi vay có thể sử dụng nguồn tiền này để gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Kỳ hạn của mỗi khoản tiền gửi tối đa không quá 1 tháng.
Theo Thông tư quy định, đồng tiền vay nước ngoài là ngoại tệ. Khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau: a) Bên đi vay là tổ chức tài chính vi mô; b) Bên đi vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vay từ nguồn lợi nhuận từ hoạt động đầu tư trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam của bên cho vay là nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại bên đi vay; c) Bên đi vay rút vốn, trả nợ bằng đồng ngoại tệ và nghĩa vụ nợ của khoản vay được xác định bằng VND.
Để điều hành hạn mức vay nước ngoài tự vay, tự trả, khi cần thiết, Thông tư 08/2023/TT-NHNN quy định Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định việc áp dụng điều kiện về chi phí vay nước ngoài; quyết định và công bố mức trần chi phí vay nước ngoài trong từng thời kỳ.
Bên đi vay và các bên liên quan tự chịu trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về giao dịch bảo đảm và các quy định khác của pháp luật có liên quan khi ký kết và thực hiện các giao dịch bảo đảm cho khoản vay nước ngoài.
Bên đi vay và các bên liên quan tự chịu trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến lãi suất vay nước ngoài, các chi phí khác có liên quan đến khoản vay nước ngoài khi thỏa thuận về chi phí vay nước ngoài.
Để điều hành hạn mức vay nước ngoài tự vay, tự trả, khi cần thiết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định việc áp dụng điều kiện về chi phí vay nước ngoài; quyết định và công bố mức trần chi phí vay nước ngoài trong từng thời kỳ.
Việc vay nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, thẩm định và chấp thuận theo quy định của pháp luật về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước, đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và thực hiện theo pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
QUY ĐỊNH MỚI VỀ GIỚI HẠN VAY
Điều 15 Thông tư 08/2023/TT-NHNN quy định về giới hạn vay ngắn hạn nước ngoài đối với bên đi vay là tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, để có thể vay ngắn hạn nước ngoài thì tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đáp ứng được giới hạn vay ngắn hạn nước ngoài tại thời điểm 31/12 của năm liền trước thời điểm phát sinh khoản vay. Đối với bên đi vay là ngân hàng thương mại: 30% trên tổng dư nợ gốc của các khoản vay ngắn hạn nước ngoài. Đối với bên đi vay là chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng khác: 150% trên tổng dư nợ gốc của các khoản vay ngắn hạn nước ngoài.
Giới hạn vay ngắn hạn nước ngoài áp dụng từ ngày 01/01/2024 theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Thông tư 08/2023/TT-NHNN.
Điều 18 Thông tư 08/2023/TT-NHNN quy định về giới hạn vay nước ngoài đối với bên đi vay không phải là tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau.
Thứ nhất, trường hợp vay nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư phải thoả mãn 2 điều kiện.
Điều kiện 1 là số dư nợ gốc của các khoản vay trung, dài hạn trong nước và nước ngoài của bên đi vay (bao gồm cả các khoản vay ngắn hạn được gia hạn và ngắn hạn quá hạn thành trung, dài hạn) phục vụ cho dự án đầu tư tối đa không vượt quá giới hạn vay vốn của dự án đầu tư.
Điều kiện 2 là giới hạn vay vốn của dự án đầu tư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 là phần chênh lệch giữa tổng vốn đầu tư của dự án đầu tư và vốn góp của nhà đầu tư ghi nhận tại Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.
Thứ hai, trường hợp vay nước ngoài để thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự án khác của bên đi vay thì số dư nợ vay trung, dài hạn trong nước và nước ngoài của bên đi vay (bao gồm cả các khoản vay ngắn hạn được gia hạn và ngắn hạn quá hạn thành trung, dài hạn) phục vụ cho mục đích này không vượt quá tổng nhu cầu vốn vay tại Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, trường hợp vay nước ngoài để thực hiện cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài của bên đi vay. Theo đó, số tiền vay nước ngoài phục vụ mục đích cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài tối đa không vượt quá tổng giá trị dư nợ gốc, số tiền lãi, phí chưa thanh toán của khoản nợ nước ngoài hiện hữu và phí của khoản vay mới được xác định tại thời điểm cơ cấu.
Trường hợp khoản vay nước ngoài mới là khoản vay trung, dài hạn, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày rút vốn khoản vay mới, bên đi vay phải thực hiện việc trả nợ khoản vay nước ngoài hiện hữu để sau thời gian 05 ngày làm việc nêu trên, bên đi vay đảm bảo các giới hạn vay vốn.
Các khoản vay ngắn hạn nước ngoài không phải tuân thủ quy định về giới hạn vay nước ngoài đối với trường hợp: vay nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư; vay nước ngoài để thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự án khác của bên đi vay.