Theo báo cáo tại hội nghị thúc kết nối ngân hàng và doanh nghiệp tại Bắc Ninh cuối tuần trước, nửa đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tại “thủ phủ” công nghiệp Bắc Ninh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh cho thấy, nửa đầu năm 2023, GRDP của tỉnh xuống mức âm 12,59% là mức giảm sâu nhất trong 10 năm trở lại đây và đứng “đội sổ” trong 63 tỉnh thành, trái ngược so với tốc độ tăng trưởng 14,1% cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng suy giảm toàn diện trên các lĩnh vực chủ lực như công nghiệp (-18,39%), nông nghiệp (-6,83%), thu hút FDI giảm tới 45,9%…
Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh vẫn đang chật vật vượt khó khi mà tình hình kinh tế chịu nhiều biến động lớn. Dù tiếp tục hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng cầu tín dụng cũng không thể tăng cao, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đến ngày 21/9 mới tăng 5,91%, mới đạt khoảng 40% chỉ tiêu. Thậm chí, tại nhiều ngân hàng, tăng trưởng tín dụng tại nhiều địa bàn, trong đó có Bắc Ninh duy trì mức âm sâu đến 30% khiến ngân hàng “đau đầu” vì thừa tiền.
TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG BẮC NINH ÂM TỚI 30%
Chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Việt Sáng, Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) chi nhánh Bắc Ninh, cho biết tăng trưởng tín dụng của chi nhánh từ đầu năm đến nay vẫn âm do dư nợ tăng mới không đủ bù đắp các khoản trả nợ của khách hàng.
Tình trạng này cũng diễn ra tại nhiều chi nhánh của LPBank vùng duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ đều âm 120 tỷ, Thái Nguyên âm nặng gần 500 tỷ. Tình hình hiện rất khó khăn, bằng mọi cách đẩy vốn ra bên ngoài, giảm lãi suất tất cả các kênh từ kênh cho vay cũ, mới, các chi nhánh họp giao ban hàng tuần, lên kế hoạch phát triển cho vay từng ngày nhưng ngân hàng vẫn chưa thoát khỏi cảnh ế vốn.
Theo vị này, lãi suất không phải là lý do khiến cho kết quả tăng trưởng tín dụng của LPBank chi nhánh Bắc Ninh sụt giảm bởi lãi suất chung hiện gần như tương đồng, cùng lắm vênh khoảng 0,5 – 0,7%, vấn đề cốt yếu ở đây là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
“Hiện khách hàng rất khó khăn, doanh nghiệp không có đầu ra, ế, tồn kho rất nhiều, bắt buộc họ phải co cụm lại để bù đắp chi phí”, ông Sáng giãi bày.
Bên cạnh đó, dù nhiều khách hàng vay vốn liên quan đến lĩnh vực bất động sản cũng đẩy nhanh việc bán hàng, tránh “gồng” lãi ngân hàng nhưng thanh khoản gần như “đóng băng”. Trước những khó khăn dồn dập hiện nay, theo đại diện LPBank, có ngày mất đi tới 11 khách hàng, dù ngân hàng rất tích cực tiếp thị khách hàng trên tất cả các kênh, từ điểm bưu điện văn hóa xã đến tất cả ứng dụng, mọi cán bộ nhân viên.
Ngoài ra, hiện ngân hàng cũng rất thận trọng trong việc cho vay vốn. Bởi theo ông Sáng, hiện có rất nhiều rủi ro, có tình trạng doanh nghiệp vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác hoặc vay để trang trải chi phí tối thiểu nên ngân hàng phải xem xét kỹ phương án vay vốn liệu có khả thi trong thời điểm tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay.
“Ngân hàng chỉ lãi khoảng 0,2 – 0,3%. Như vậy, ngân hàng đang là doanh nghiệp có hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp nhất”.
Ông Nguyễn Việt Sáng, Giám đốc LPBank Bắc Ninh
Theo ông Sáng, hiện lãi suất đã giảm mạnh và không thể giảm được nữa, giảm nữa là ngân hàng lỗ. Bởi biên lợi nhuận của ngân hàng đang ở mức thấp, trong khi vẫn còn nhiều chi phí đi kèm như trích lập dự phòng, mua bảo hiểm tiền gửi, chi phí nhân sự…
Còn với ngân hàng BIDV, đến ngày 26/9/2023, tăng trưởng tín dụng của BIDV là 7%, cao hơn bình quân toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam (5,56%) nhưng tăng trưởng tín dụng tại tỉnh Bắc Ninh cũng rất thấp, chỉ tăng vỏn vẹn 1,7% so với đầu năm. Điều này hoàn toàn “khác thường” so với mức tăng trưởng tín dụng trung bình là 16%/năm trong suốt 5 năm qua và còn cao hơn mức tăng trưởng bình quân của BIDV.
Theo lý giải của bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó Tổng Giám đốc BIDV, dù chủ động xây dựng và triển khai chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng nhưng do tình hình kinh tế chung gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn chậm lại. Đồng thời, tình hình tài chính của một số doanh nghiệp suy giảm, từ đó, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.
Cùng đó, sau giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ hết các khoản nợ được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn. Mặc dù được các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định thông thường nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do bị chuyển nhóm nợ nên khó tiếp cận vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, trong 9 tháng của năm 2023, dư nợ của BIDV trên địa bàn tỉnh chỉ tăng 1,7%, tập trung vào lĩnh vực đầu tư khu công nghiệp (tăng ròng 550 tỷ đồng) và ngành thương mại (tăng ròng 424 tỷ đồng).
DOANH NGHIỆP VẬT LỘN VÀ CHỜ HỖ TRỢ
Chia sẻ về những khó khăn doanh nghiệp phải xoay xở thời gian qua, ông Nguyễn Tiến Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập Đoàn Long Phương, cho biết qua thời kỳ dịch bệnh, sức mua, sức cầu của thị trường rất thấp, sụt giảm tới 30%. Điều này khiến Long Phương cũng giống như các doanh nghiệp đều ghi nhận doanh số giảm sút, vì vậy, doanh nghiệp cũng phải cơ cấu lại, cân đối hoạt động sản xuất kinh doanh để tiếp tục phát triển và thích ứng trong bối cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nỗ lực tìm kiếm những hướng đi mới, những sản phẩm mới với chất lượng giá thành tốt để đón đầu khi thị trường phục hồi, doanh nghiệp có thể hoà nhập ngay.
Cũng theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập Đoàn Long Phương, để đáp ứng nhu cầu vay vốn, thời gian qua, công ty có quan hệ tín dụng với một số ngân hàng như: BIDV, Agribank và Vietcombank với lãi suất dao động khoảng 6 – 9%/năm. Hiện nay, mối quan hệ giữa ngân hàng – doanh nghiệp cải thiện hơn trước rất nhiều, luôn luôn đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và luôn coi khách hàng là đối tác bởi sự thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của ngân hàng.
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Tập Đoàn Long Phương cũng tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Vì vậy, doanh nghiệp rất hồ hởi vì tiếp cận được các khoản vay ưu đãi từ Chính phủ, có thể tiết kiệm khoảng 1-2 tỷ đồng.
“Chúng tôi kỳ vọng sang năm 2024 sẽ phát triển sẽ tốt hơn, còn giờ từ cuối năm, theo đánh giá của doanh nghiệp, cơ bản cũng không có nhiều khởi sắc”, ông Long nói.
Còn theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Giám đốc điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư xây dựng và thương mại Phương Thảo Phát (Hyundai Bắc Ninh), hiện kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn, tác động đến sản xuất kinh doanh, thu nhập, giá cả nói chung và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nói riêng.
Về khả năng tiếp cận vốn với ngân hàng, theo bà Hồng, hồ sơ vay vốn hiện quy định quá chi tiết về các yếu tố liên quan đến hồ sơ vay như lịch sử tín dụng, hệ số nợ và khả năng bảo đảm.
Bên cạnh đó, theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN, các chính sách và quy định của ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp khi vay vốn phải cung cấp báo cáo thuế hoặc báo cáo kiểm toán cũng gây khó khăn do các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không đáp ứng kịp thời yêu cầu này.
Để tháo gỡ khó khăn và dọn đường cho doanh nghiệp phát triển, bà Hồng cho rằng các doanh nghiệp đang rất cần thêm các chính sách chuyên biệt về cơ chế mang tính đặc thù, chính sách tài chính, nguồn vốn tín dụng ưu đãi…. của các hệ thống ngân hàng dành cho các doanh nghiệp. “Không chỉ là vốn, lãi suất mà các chính sách vĩ mô khác, trong đó có thu hút đầu tư, phát triển thị trường vốn, chính sách về thuế, phí sẽ hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn sau hậu Covid-19”, bà Hồng đề xuất.
Ông Nguyễn Xuân Bắc , Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14 – 15%, điều hành tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%. Về điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 – 2%/năm. Đến nay, các tổ chức tín dụng cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 19.000 tỷ đồng để hỗ trợ nền kinh tế.