Chia sẻ tại Đối thoại tháng 7: “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán” do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức ngày 26/7 tại Hà Nội, ông Nguyễn Duy Thịnh, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), khẳng định hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được vận hành ổn định trong tuần đầu tiên hoạt động.
Theo đó, hệ thống có thể hỗ trợ 1 triệu lệnh/ngày và 3.000 lệnh giao dịch chỉ trong 1 giây nhờ sự hỗ trợ hiệu quả từ ngân hàng thanh toán Vietcombank.
RỐT RÁO ĐƯA 1.000 MÃ TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP RIÊNG LẺ LÊN SÀN
Thế nhưng, Chủ tịch HNX cho biết, giá trị giao dịch 1 tuần qua chỉ khiêm tốn 2.000 tỷ đồng và cũng không quá kỳ vọng vào thanh khoản thị trường thời gian đầu vận hành. Bởi theo ông, cần 3 tháng sau khi hệ thống vận hành để tất cả các mã trái phiếu buộc phải đăng ký giao dịch.
Cùng đó, các doanh nghiệp phát hành cũng cần phải có thời gian để hoàn thiện các thủ tục nội bộ cũng như đăng ký, lưu ký với Trung Tâm Lưu Ký Chứng Khoán Việt Nam. “Khoảng thời gian ba tháng là đủ nhưng phải rất khẩn trương”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo HNX, nếu các tổ chức phát hành giao dịch ở ngoài thì rõ ràng là không hợp pháp bởi hiện nay sàn đã được vận hành chính thức. Do đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ xử phạt theo quy định pháp luật với những đơn vị vi phạm.
Theo đánh giá của giới phân tích, việc đưa hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào hoạt động là sự cần thiết, phù hợp với tính đặc thù của thị trường Việt Nam và là một bước tiến quan trọng của thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng. Khi hệ thống mới hoạt động hiệu quả hơn sẽ tạo thanh khoản cho nhà đầu tư, từ đó, góp sức hỗ trợ cho các doanh nghiệp chủ động gọi vốn trên thị trường sơ cấp.
KHƠI THÔNG THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU SONG HÀNH VỚI ĐƯA HÀNG TRĂM DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT MỚI
Cũng theo Chủ tịch HNX, trong thời gian dài, nền kinh tế chủ yếu dựa vào vốn tín dụng ngân hàng nhưng bản chất ngân hàng thương mại lại huy động nguồn vốn ngắn hạn, do đó, nếu cho vay trung và dài hạn chiếm tỷ lệ lớn sẽ đem lại nhiều rủi ro. Bởi vậy, Chính phủ quyết tâm phát triển thị trường chứng khoán và thị trường tài chính nói chung.
Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán phát triển từ rất lâu nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần đây mới phát triển và có dấu hiệu phát triển hơi nóng, vừa qua cũng phát giác một loạt sai phạm một số tổ chức phát hành gây mất lòng tin của thị trường, hoạt động phát hành trái phiếu mới chưa được cải thiện sau một thời gian dài trầm lắng.
Tuy nhiên, thực chất đây là hoạt động thanh lọc, nâng chất thị trường, đưa thị trường trái phiếu tiếp tục trở thành kênh vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp.
So sánh quy mô với nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều nước phát triển có dư nợ trái phiếu lên đến 80% GDP, trong khi đó tại Việt Nam, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ dao động khoảng 15% GDP, như vậy, vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển.
Trong rất nhiều giải pháp Chính phủ đưa ra, việc đưa hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại HNX vào vận hành là một trong những giải pháp quan trọng.
“Khi hàng hóa đưa được lên sàn nhiều hơn, đương nhiên tính minh bạch, thanh khoản tốt hơn sẽ có tác động trở lại thị trường sơ cấp, giúp hoạt động phát hành tốt hơn và nhà đầu tư có nhiều thông tin có đưa ra quyết định đầu tư”, Chủ tịch HNX khẳng định.
Sau khi vận hành sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, theo lãnh đạo HNX, còn nhiều việc phải làm. Trong đó, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục ban hành chính sách, hoàn thiện khung khổ pháp lý và tăng cường giám sát hơn nữa. Hệ thống giao dịch ra đời phải đảm bảo vận hành tốt, cơ quan quản lý cũng tích cực giám sát quá trình doanh nghiệp công bố thông tin.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, “các tổ chức trung gian như tổ chức kiểm toán cũng phải đưa thông tin chuẩn xác, bởi kiểm toán độc lập nhiều khi không đưa thông tin chuẩn. Nhà đầu tư cũng phải có trách nhiệm với đồng tiền của chính mình”, ông Thịnh lưu ý.
Không chỉ khơi thông thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội còn rất nỗ lực của đơn vị trong việc thu hút thêm doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán.
Bởi theo ghi nhận, trong 3 năm vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc về thanh khoản, vốn hóa, số nhà đầu tư tham gia thị trường… Tuy nhiên, số doanh nghiệp lên sàn trong thời gian qua còn rất hạn chế và “vắng bóng” những doanh nghiệp lớn.
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch HNX lý giải đã lâu không có nhiều doanh nghiệp mới được niêm yết do giai đoạn này, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên lo tập trung vào sản xuất kinh doanh trước tiên. Hơn nữa, qua giai đoạn phát triển nhanh đến lúc phải chú trọng về chất lượng.
“HNX sẽ nỗ lực thúc đẩy tất cả các doanh nghiệp cổ phần hoá trước năm 2015 lên sàn khi đủ điều kiện niêm yết. Theo thống kê, khoảng 700 đơn vị đủ điều kiện. Sở Giao dịch sẽ rà soát lại điều kiện, tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp và làm việc với cơ quan chủ quản để thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn, phát triển thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, minh bạch, bền vững hơn”, ông Thịnh nhấn mạnh.