Sáng ngày 30/11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2023, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2024.
Theo thông tin tại hội nghị này, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Quảng Bình vẫn duy trì ổn định và đạt 7,2%. Giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng tăng gần 11%; giá trị sản xuất dịch vụ tăng 7,18%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 29.600 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng.
Tỉnh Quảng Bình có 17/21 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Còn 4 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch là tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp; thu ngân sách mới đạt 5.700 tỷ đồng trong khi kế hoạch là 7.000 tỷ đồng; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chưa đạt. Nhiều dự án công nghiệp triển khai chậm tiến độ. Hạ tầng và năng lực phục vụ du lịch còn hạn chế, tiến độ triển khai một số dự án du lịch còn chậm, nhất là các dự án khu nghỉ dưỡng, thể thao giải trí cao cấp ven biển.
Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình năm nay, ước đạt hơn 4,5 triệu lượt khách, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ và vượt hơn 29% so với kế hoạch đề ra. Một số dự án du lịch, nghỉ dưỡng lớn đã đi vào hoạt động; các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng và phát triển các sản phẩm du lịch mới để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách, góp phần khắc phục tính thời vụ; trong đó, nổi bật làng Tân Hóa, huyện miền núi Minh Hoá được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh là “Làng du lịch tốt nhất thế giới” năm 2023.
Năm 2023, tỉnh này đã chú trọng duy trì kết nối thường xuyên, liên tục với các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế; tăng cường mở rộng liên kết, hợp tác phát triển đến các khu vực tiềm năng, hoạt động dịch vụ lưu trú du lịch lữ hành năm 2023 tiếp tục phục hồi nhanh và mạnh mẽ. Ước tính doanh thu lưu trú năm 2023 đạt 558 tỷ đồng, tăng gần 24%; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 455 tỷ đồng, tăng gần 29% so với cùng kỳ.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng cho biết, kinh tế của tỉnh này tuy đã có bước phục hồi, song đứng trước nhiều thách thức về hiệu quả, sức cạnh tranh, sự phát triển bền vững. Một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch năm có thể ảnh hưởng đến mục tiêu của cả nhiệm kỳ 2020-2025. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; khó khăn trong sản xuất, kinh doanh còn lớn. Công tác giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm còn nhiều vướng mắc, chậm được tháo gỡ. Thu ngân sách chưa đạt kế hoạch đề ra. Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, sản phẩm đặc trưng còn thiếu, yếu. Du lịch tuy đã có sự phục hồi, phát triển, song để trở thành lĩnh vực “mũi nhọn” cần phải có nhiều biện pháp đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa để tạo hiệu quả bền vững.
Năm 2024, tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn từ 7-7,5%, thu ngân sách đạt 6.300 tỷ đồng; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Mục tiêu trọng tâm trong phát triển kinh tế của địa phương là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, các dự án hạ tầng trọng điểm như đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình.