Ngày 4/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt bút ký đạo luật thuế và chi tiêu mang tên “Đạo luật lớn lao, đẹp đẽ” (One Big Beautiful Bill – OBBBA), một trụ cột trong chương trình nghị sự kinh tế của ông trong nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai.
Dù đối mặt một số hoài nghi, đạo luật đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chính sách tài khóa của Mỹ, vì không chỉ là một gói cải cách thuế và chi tiêu lớn mà còn thể hiện triết lý kinh tế của ông Trump – với những cam kết mạnh mẽ về việc giảm thuế, siết chặt chi tiêu phúc lợi và tăng cường ngân sách cho quốc phòng.
NHỮNG LỜI HỨA TRỞ THÀNH HIỆN THỰC
Trước khi được được chuyển tới bàn làm việc của ông Trump để ông đặt bút ký thành đạo luật, dự luật trên đã được thông qua với tỷ lệ phiếu sít sao tại Thượng viện (51-50) và Hạ viện (218-214). Dự luật nhận được sự ủng hộ của gần như tất cả các nghị sỹ Cộng hòa tại hai viện Quốc hội Mỹ, trong khi tất cả các nghị sỹ Dân chủ đều phản đối dự luật.
“Tôi chưa bao giờ chứng kiến người dân ở đất nước chúng ta hạnh phúc như bây giờ, vì nhiều đối tượng người dân khác nhau đều đang nhận được sự quan tâm, từ quân nhân đến dân thường, tất cả mọi người làm những công việc khác nhau. Các bạn đang có đợt giảm thuế lớn nhất, đợt cắt giảm chi tiêu lớn nhất, và cuộc đầu tư mạnh mẽ nhất cho an ninh biên giới trong lịch sử Mỹ”, ông Trump nói tại lễ ký.
Nội dung lớn nhất của đạo luật dài 887 trang này là gia hạn chương trình cắt giảm thuế có từ năm 2017 trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên của ông Trump. OBBBA sẽ biến các chính sách cắt giảm thuế từ Đạo luật Cải cách Thuế năm 2017 thành quy định vĩnh viễn, với tổng chi phí ước tính lên tới 4.500 tỷ USD trong vòng 10 năm. Nội dung này bao gồm việc tăng mức khấu trừ thuế tiêu chuẩn thêm 1.000 USD cho mỗi cá nhân và 2.000 USD cho các cặp vợ chồng.
Lời hứa của ông Trump về miễn thuế cho tiền tip và lương làm thêm giờ mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 cũng được hiện thực hóa trong đạo luật OBBBA. Đạo luật cho phép cá nhân được khấu trừ một phần tiền tip và tiền làm thêm giờ khỏi thu nhập chịu thuế, nhằm hỗ trợ những người lao động trong các lĩnh vực dịch vụ. Tuy nhiên, lợi ích này sẽ dần bị loại bỏ dựa trên thu nhập hàng năm, bắt đầu từ 150.000 USD đối với cá nhân và 300.000 USD đối với các cặp vợ chồng khai thuế chung.
OBBBA sẽ cho phép người lớn tuổi có thu nhập không quá 75.000 USD mỗi năm được khấu trừ thuế lên tới 6.000 USD. Tín dụng thuế trẻ em cũng sẽ tăng từ 2.000 USD lên 2.200 USD, giúp giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình có con nhỏ. Đặc biệt, mức trần với các khoản khấu trừ thuế cấp bang và địa phương, được gọi là SALT, sẽ tăng gấp bốn lần lên 40.000 USD trong vòng 5 năm, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân ở các bang có mức thuế cao.
Ngoài ra, OBBBA cũng quy định nhiều khoản cắt giảm thuế liên quan tới doanh nghiệp, trong đó có khấu trừ 100% chi phí thiết bị và nghiên cứu. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư và tạo ra nhiều việc làm mới, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế.
Nội dung quan trọng thứ hai của đạo luật là cung cấp khoảng 350 tỷ USD cho an ninh biên giới và quốc gia, trong đó có 25 tỷ USD để phát triển hệ thống phòng thủ Vòm Vàng mà ông Trump hứa hẹn. Ngân sách quốc phòng cũng sẽ được tăng cường với hơn 1.000 tỷ USD, nhằm nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và thực hiện các cam kết về an ninh.

Để bù đắp cho việc giảm thuế và tăng chi tiêu cho an ninh biên giới, OBBBA sẽ áp dụng yêu cầu về việc làm đối với những người trưởng thành không có con cái và không bị khuyết tật để đủ điều kiện tham gia Medicaid. Dự kiến, khoảng 11,8 triệu người Mỹ có thể mất bảo hiểm y tế theo chương trình này trong thập kỷ tới. Điều này thể hiện sự chuyển hướng mạnh mẽ trong chính sách phúc lợi xã hội, với mục tiêu giảm chi tiêu cho các chương trình hỗ trợ.
Một khoản chi khác được cắt giảm theo đạo luật này là Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP) cũng sẽ đối mặt với những quy định mới chặt chẽ hơn, yêu cầu các bang phải đóng góp nhiều hơn cho chương trình. Dự kiến, khoảng 3 triệu người sẽ không đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ SNAP do các yêu cầu mới về việc làm.
Một điểm đáng chú ý khác trong OBBBA là việc chấm dứt các khoản tín dụng thuế cho xe điện mới và đã qua sử dụng. Điều này có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp năng lượng sạch, vốn đã được ưu tiên trong các chính sách trước đây.
NHỮNG QUAN ĐIỂM TRÁI NGƯỢC
Dự luật OBBBA luôn là một phần trọng tâm trong chương trình nghị sự của ông Trump kể từ khi ông lên cầm quyền nhiệm kỳ thứ hai, bởi dự luật này bao gồm nhiều lời hứa tranh cử của ông, bao gồm miễn thuế cho tiền bao, tiền làm ngoài giờ, và ủng hộ lĩnh vực năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên, dự luật đã vấp phải sự phản đối của chính một số nghị sỹ Cộng hòa và chuyên gia độc lập lo ngại về ảnh hưởng bất lợi của dự luật đối với khối nợ liên bang và các chương trình phúc lợi xã hội.
Giới quan sát nhận định đạo luật OBBBA sẽ có tác động sâu rộng đến đời sống của hàng triệu người dân Mỹ. Việc cắt giảm phúc lợi và yêu cầu về việc làm đối với Medicaid có thể khiến nhiều người mất quyền lợi bảo hiểm y tế. Đồng thời, những người tham gia chương trình SNAP cũng sẽ phải đối mặt với những quy định mới, có thể làm giảm số lượng người đủ điều kiện nhận hỗ trợ.
Trong khi các nghị sĩ đảng Cộng hòa ca ngợi đây là một thành tựu lập pháp mang tính cột mốc thì các nghị sĩ đảng Dân chủ và nhiều tổ chức xã hội đã chỉ trích đạo luật này là “quái vật ngân sách” chỉ mang lại lợi ích cho người giàu và làm suy yếu an sinh xã hội. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), một cơ quan giám sát phi đảng phái – đã cảnh báo rằng đạo luật này có thể làm tăng thâm hụt ngân sách liên bang thêm 3,3 nghìn USD trong 10 năm tới. Nợ của chính phủ liên bang Mỹ hiện đã vượt ngưỡng 36 nghìn tỷ USD.
Tỷ phú Elon Musk – người từng có thời gian là đồng minh thân cận của ông Trump – đã phản đối gay gắt và dọa sẽ thành lập đảng mới nếu “dự luật to lớn, đẹp đẽ” được ký thành luật. “Ai bỏ phiếu cho dự luật tăng nợ công lớn nhất lịch sử này nên cảm thấy xấu hổ”, ông Musk nói.
Còn theo lập luận của chính quyền ông Trump, OBBBA sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế, đưa tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ từ mức 28 nghìn tỷ USD hiện nay lên gần 36 nghìn tỷ USD vào năm 2035, với tốc độ tăng trưởng 3-4% mỗi năm. Chính quyền Trump cho rằng việc cắt giảm thuế sẽ dẫn đến tăng đầu tư và việc làm, từ đó tăng thu ngân sách. Họ kỳ vọng rằng thu từ thuế quan sẽ đạt 4,5 nghìn tỷ USD trong 10 năm nhờ chính sách “áp thuế qua thư” đối với nhiều đối tác thương mại.
Không chỉ là một gói cải cách ngân sách, OBBBA còn là một tuyên ngôn về cách chính quyền ông Trump nhìn nhận lại vai trò của nhà nước, người lao động và tăng trưởng kinh tế. Tác động của đạo luật này, dù tích cực hay tiêu cực, sẽ để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử kinh tế – chính trị Mỹ. Với những cam kết mạnh mẽ về việc giảm thuế và tăng cường ngân sách cho quốc phòng, OBBBA có thể sẽ định hình lại chính sách tài khóa của Mỹ trong cả thập kỷ tới. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được nợ công và đảm bảo tăng trưởng bền vững, Mỹ có thể phải đối mặt với những thách thức lớn trong tương lai.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/nhung-diem-chinh-trong-dao-luat-giam-thue-mang-tinh-cot-moc-cua-tong-thong-trump.htm