Đánh giá bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam sau 3 năm trải qua đại dịch Covid-19, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trường Viện Kinh tế Việt Nam, chuyên gia kinh tế, ví von Việt Nam như “ngôi sao ngược gió”, giữ được mạch thông với nền kinh tế thế giới.
Vượt qua đại dịch Covid-19 “nghiệt ngã”, theo ông Thiên, không hoàn toàn giống nhiều nước khác, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng, phát triển nhìn chung là tích cực. Các con số phản ánh thành tích tăng trưởng như: ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài, duy trì sức hấp dẫn đầu tư, là minh chứng tốt cho nhận định này.
NHỮNG “NGHỊCH LÝ” MỚI NẢY SINH
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng chỉ rõ những nghịch lý trong quá trình phát triển kinh tế mới bộc lộ những năm gần đây.
Theo đó, thứ nhất, nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn.
Phân tích rõ điểm bất ổn này, ông Thiên cho rằng nền kinh tế thừa tiền nhưng khát vốn, tiền không luân chuyển được nên không thể biến thành vốn, khiến doanh nghiệp kiệt sức.
“Sau 3 năm Covid, năng lực về vốn cạn kiệt nhưng ngân hàng khó cho vay mà người muốn vay cũng không dám vay, doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn. Nền kinh tế khô hạn, tiền bị nhốt, kể cả kho bạc hàng triệu tỷ đồng nhưng khó giải ngân”, PGS.TS Trần Đình Thiên nêu rõ nghịch cảnh.
Theo đó, đến hết tháng 8/2023, giải ngân đầu tư công dù được cải thiện rõ rệt so với các năm trước. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mức độ tiến triển vẫn được coi là chậm khi mới đạt 39,6% kế hoạch.
Bên cạnh đó, với kênh tín dụng, mức tăng trưởng chỉ đạt 5,5%, thua xa cùng kỳ và cách xa mục tiêu cả năm là tăng 14% dù Ngân hàng Nhà nước dũng cảm “ngược chiều” xu hướng điều hành chính sách tiền tệ trên thế giới, áp dụng nhiều giải pháp nới lỏng điều kiện vay vốn để vực dậy nền kinh tế.
Rõ ràng, mức tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn đầu tư công thấp thực sự là điều gây bất ngờ trong bối cảnh đa số doanh nghiệp đang “đói vốn, khát vốn”, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ trong việc đưa ra nhiều chính sách và giải pháp mạnh hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp thoát khỏi tình thế khó khăn.
“Tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên bất động hóa các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành động lực phát triển, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Thứ hai, nghịch lý phát triển doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành.
Sở dĩ doanh nghiệp Việt có năng lực chống chịu và sinh tồn phi thường, theo ông Thiên, hiếm có nơi nào trên thế giới mà các doanh nghiệp phải trả giá vốn (lãi suất) cao kéo dài nhiều năm như ở Việt Nam, thường là gấp 2-3 lần các nền kinh tế thị trường “bình thường” trên thế giới, chưa kể các khoản “chi phí giao dịch” cũng thường cao vượt trội.
“Tình thế “nghịch lý” này được bộc lộ rõ rệt hơn bao giờ hết trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2023”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Với gánh nặng chi phí như vậy, trình độ còn thấp và thực lực yếu, doanh nghiệp Việt khó có thể tồn tại, thế nhưng, trên thực tế, doanh nghiệp Việt vẫn tồn tại một cách bền bỉ và mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn vào thành tựu phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, với năng lực “sống dai” hiếm có như vậy nhưng trong quá trình phát triển của doanh nghiệp Việt lại chứng kiến xu hướng “li ti hóa”, chậm lớn, khó trưởng thành.
Theo thống kê chính thức, hàng năm, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường xấp xỉ 70-75% số đăng ký thành lập, đây là một tỷ lệ không bình thường. Sang năm 2023, số doanh nghiệp Việt thành lập mới liên tục giảm trong khi số rút khỏi thị trường tăng mạnh.
Theo tính toán của vị chuyên gia này, 8 tháng của năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường (khoảng 124.700) so với số doanh nghiệp mới thành lập và gia nhập lại (khoảng 149.400) đạt xấp xỉ 84%, cao vượt trội mức 68,7% của năm 2022.
Cùng với đó, tổng lượng vốn đăng ký giảm 19,8%, phản ánh xu thế quy mô nhỏ dần của doanh nghiệp mới thành lập, đồng nghĩa với xu thế “li ti hóa” doanh nghiệp Việt tăng lên.
Như vậy, “đối ngược lại khả năng sinh tồn cao của doanh nghiệp, xu thế đó báo động chất lượng thấp, năng lực cạnh tranh quốc tế yếu của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Thiên lo ngại. Thêm vào đó, cần lưu ý một thực tế là doanh nghiệp đóng cửa là doanh nghiệp đang tồn tại thực, tạo việc làm và thu nhập thực, đóng góp GDP và ngân sách thực, trong khi doanh nghiệp đăng ký thành lập chưa tồn tại “thực” và có thể không tồn tại thực.
Thứ ba, nghịch lý tăng trưởng cao lạm phát thấp.
Nền kinh tế Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng GDP khá cao trong điều kiện lạm phát thấp được duy trì trong nhiều năm. Đặc biệt trong năm 2022, GDP tăng trưởng 8,02% trong khi lạm phát được giữ ở mức khá thấp, chỉ khoảng 3,6%, điều này dường như cũng là nghịch lý.
Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cũng đưa ra nhiều chỉ dấu quan trọng cho thấy “sức khỏe” của khu vực doanh nghiệp đáng báo động.
Theo đó, số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 15,6% so với 8 tháng đầu năm 2022 lên tới 124,7 nghìn doanh nghiệp. Con số 8 tháng của năm 2023 đã cao hơn tổng số doanh nghiệp rời khỏi thị trường cả năm của các năm từ 2018 đến 2021, gần bằng giá trị của cả năm 2022.
Sức khoẻ của nền kinh tế và doanh nghiệp còn thể hiện qua một chỉ số khác là xuất nhập khẩu. Trong 8 tháng đầu năm 2023, lần đầu tiên sau nhiều năm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này thể hiện rõ ở các sản phẩm xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam từ sản phẩm điện tử, may mặc, đồ gỗ cho đến thủy hải sản…
Sự sụt giảm nhu cầu trên thị trường quốc tế nhanh chóng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam. Giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm sụt giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giảm đáng kể khi so sánh cùng kỳ 8 tháng đầu năm 2022, mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp so với 8 tháng đầu năm 2021 là 9,2%.
ĐIỀU GÌ “CẢN ĐƯỜNG” PHÁT TRIỂN CỦA DOANH NGHIỆP?
Những con số trên thể hiện phần nào bức tranh khó khăn của nền kinh tế và các doanh nghiệp trong giai đoạn gần một năm vừa qua.
Phân tích nguyên nhân của những khó khăn kể trên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, ngoài nguyên nhân khách quan của kinh tế toàn cầu đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng cũng có nhiều nguyên nhân từ trong nước, từ thể chế, chính sách.
Cụ thể, việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản như: vốn, nhân lực, đất đai chưa thực sự thuận lợi.
Chất lượng lao động là một trong những thách thức khác mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải. Chất lượng lao động còn có thể xem xét qua một thước đo quan trọng đó là năng suất lao động, thể hiện qua số lượng sản phẩm được tạo ra tính trên một đơn vị người lao động làm việc hoặc giờ lao động.
Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2022 của VCCI, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận vốn. Cụ thể, trong năm 2022 tiếp cận vốn đã trở thành vấn đề lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp phản ánh, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021.
Thực tế, năng suất lao động của Việt Nam vẫn đang thuộc nhóm thấp ở châu Á dù có những cải thiện trong những năm gần đây.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần. So với các nước Đông Nam Á, năng suất lao động của Việt Nam cũng ở mức rất thấp, chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn năng suất lao động của Campuchia (gấp 2,4 lần), Myanmar (1,6 lần), Lào (gấp 1,2 lần).
Đáng quan ngại, theo đại diện VCCI, doanh nghiệp trả chi phí không chính thức là tình trạng khá nhức nhối và phổ biến. Theo ước tính từ dữ liệu điều tra PCI, khoảng 40% doanh nghiệp thực hiện thủ tục đất đai đã chấp nhận trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục.
Bên cạnh đó, chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế.
Chất lượng hạ tầng là thách thức lớn và lâu dài mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải. Loạt báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của VCCI nhiều năm, khi phân tích trải nghiệm của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường kinh doanh Việt Nam đã cho thấy cơ sở hạ tầng chưa phải là một lợi thế so sánh của Việt Nam trong so sánh với các quốc gia cạnh tranh khá, dù ghi nhận những cải thiện đáng kể trong các năm gần đây.
Một đánh giá tương tự của Diễn đàn Kinh tế thế giới về chất lượng hạ tầng của các quốc gia cũng cho thấy sự kém cạnh tranh của Việt Nam so với những quốc gia trong khu vực.
Việt Nam đứng thứ 77 về chất lượng hạ tầng tổng thể, 103 về đường bộ, 83 về cảng, 103 về vận tải hàng không và 87 về cung ứng điện. Các kết quả này nhìn chung kém cạnh tranh hơn khi nhà đầu tư đặt lên bàn cân so sánh với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia hay Thái Lan.
Ngoài ra, chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Các doanh nghiệp phản ánh chi phí kinh doanh tại Việt Nam hiện nay vẫn còn cao, nằm ở 4 nhóm chính: (1) các chi phí có liên quan đến lao động; (2) chi phí tài chính cho Nhà nước ngoài thuế; (3) chi phí vốn; (4) chi phí vận tải, logistics…
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, các chuyên gia cho rằng để đưa nền kinh tế trở lại với quỹ đạo tăng trưởng cao thì cần tập trung tháo gỡ các rào cản, nút thắt từ thể chế, của chính sách đang cản trở sự phát triển.