Ngày 9/3, Hội nghị trực tuyến đầu tiên của năm 2023 nhằm hướng dẫn, hỗ trợ, đồng hành cùng người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế năm 2022 với sự tham gia của bộ phận chuyên gia về chính sách thuế đã nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp và người nộp thuế. Tại hội nghị, số lượng doanh nghiệp Cục Thuế TP. Hà Nội sẽ hỗ trợ lên đến hơn 210.000 doanh nghiệp và người nộp thuế.
NHIỀU LỢI ÍCH KHI XUẤT HOÁ ĐƠN ĐIỆN TỬ TỪ MÁY TÍNH TIỀN
Một trong những vấn đề được doanh nghiệp trên địa bàn thành phố quan tâm đó là việc triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đang được Tổng cục Thuế thực hiện giai đoạn 1, tập trung với các ngành, lĩnh vực trực tiếp đến người tiêu dùng như: ăn uống, nhà hàng, khách sạn, bán lẻ hàng tiêu dùng, siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí…
Thông tin Tổng cục Thuế, tính đến ngày 5/3 đã có hơn 5.310 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền thành công, đạt 136,2% so với kế hoạch giai đoạn 1 đã đề ra, với số lượng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 920.077 hóa đơn.
Gửi câu hỏi đến hội nghị, Công ty cổ phần Modern Trade có trụ sở tại Hà Đông, Hà Nội, cho biết công ty kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ đồ ngũ kim, đá thạch anh cho người mua là tổ chức và các cá nhân tiêu dùng trực tiếp.
“Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp không sử dụng máy tính tiền, không có phần mềm quản lý bán hàng. Một số trường hợp khi bán hàng không thu tiền ngay mà khách hàng nợ một thời gian sau mới thanh toán thì mặt hàng doanh nghiệp cung cấp có được xác định là mặt hàng tiêu dùng và có thuộc đối tượng phải triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền hay không”, đại diện Công ty Modern Trade thắc mắc.
Phản hồi công ty, Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết việc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền mang lại rất nhiều lợi ích cho công ty như hỗ trợ công ty chủ động 24/7 trong việc lập hóa đơn; mã của cơ quan thuế được cấp tự động nên xử lý triệt để vướng mắc về độ trễ giữa thời điểm thanh toán và thời điểm lập hóa đơn, người mua có thể nhận hóa đơn điện tử ngay khi thanh toán.
Cùng với đó, khoản chi mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền được xác định là khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi xác định nghĩa vụ thuế…
Trường hợp công ty kinh doanh có hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 78/2021/TT-BTC, với những lợi ích nêu trên, Cục thuế TP. Hà Nội khuyến khích công ty sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
“Trường hợp công ty chưa đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Cục Thuế TP. Hà Nội sẽ phối hợp với các nhà cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử, đơn vị cung cấp máy tính tiền, phần mềm quản lý bán hàng để hỗ trợ người nộp thuế lựa chọn các giải pháp phù hợp với đặc điểm kinh doanh của doanh nghiệp”, Cục Thuế TP. Hà Nội cho hay.
Theo ghi nhận, với một số đơn vị, doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đang gặp một số khó khăn như: phần mềm kết nối chưa đồng bộ với cơ quan thuế; đầu tư, nâng cấp các thiết bị cũng tốn thêm chi phí… gây nên sự e ngại trong việc chuyển đổi.
TĂNG CƯỜNG CHUYỂN ĐỔI SỐ, TẠO THUẬN LỢI CHO NGƯỜI NỘP THUẾ
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội Mai Sơn, cho biết hàng năm, Cục Thuế TP. Hà Nội đều tổ chức “Tháng đồng hành cùng người nộp thuế” nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong thực thi chính sách, pháp luật thuế, trọng tâm là việc thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và quyết toán thuế doanh nghiệp cá nhân.
Theo đó, từ ngày 15/3 đến ngày 4/5, Cục Thuế TP. Hà Nội triển khai Chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện quyết toán thuế năm 2022” trên toàn địa bàn TP. Hà Nội với 3 mục tiêu: “Hỗ trợ về chính sách – Hỗ trợ về công nghệ thông tin – Hỗ trợ về kê khai thuế”.
Cục trưởng Mai Sơn cũng khẳng định Cục Thuế TP. Hà Nội cam kết tiếp tục tăng cường công tác hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế vượt qua khó khăn để ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các chính sách miễn, giảm, gia hạn, hỗ trợ người nộp thuế, để toàn bộ người nộp thuế trên địa bàn được tiếp cận và thụ hưởng chính sách kịp thời, đúng quy định.
Bên cạnh đó, thực hiện chiến lược cải cách hiện đại hóa công tác quản lý thuế, Cục Thuế TP. Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế; đồng thời, triển khai tích cực và có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, góp phần giúp doanh nghiệp, người nộp thuế giảm bớt chi phí tuân thủ và thời gian trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Tại hội nghị, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kiến nghị ngành thuế cần tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp với tình hình trong mỗi giai đoạn.
Đồng thời, “công tác thuế cần tiếp tục đổi mới và tăng cường sự tương tác thường xuyên hơn nữa giữa người quản lý và người được quản lý để tiết kiệm thời gian cũng như có được sự hiểu đúng, hiểu trúng từ đó thực hiện đúng các quy định của pháp luật thuế, từ đó, và tuân thủ tốt các thủ tục về thuế, quyết toán thuế”, ông Phòng nhấn mạnh.