Trong 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ liên tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành từ 0,5-2%/năm, các giao dịch trên thị trường liên ngân hàng được thông suốt, tỷ giá ổn định góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
TRIỂN KHAI NHIỀU GIẢI PHÁP HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI DÂN
Ngân hàng Nhà nước kêu gọi các tổ chức tín dụng đồng thuận giảm lãi suất huy động, trên cơ sở đó giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dành 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi các dự án nhà ở xã hội, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và lĩnh vực bất động sản…
“Chúng tôi luôn thấu hiểu những trăn trở của Chính phủ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước làm thế nào để khơi thông dòng vốn để các doanh nghiệp có vốn kinh doanh. Chúng tôi cũng hiểu và nhận thức được rằng thực hiện chủ trương của Chính phủ không chỉ là chấp hành các chỉ đạo của cấp trên, mà còn là cơ hội để chúng tôi triển khai các kế hoạch phát triển kinh doanh, cơ hội tìm kiếm, tiếp cận khách hàng, gia tăng giao dịch với khách hàng khi khách hàng đã vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh doanh”, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), phát biểu tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây.
Theo ông Phan Đức Tú, trong 6 tháng đầu năm 2023, BIDV đã đưa ra 25 gói tín dụng ưu đãi với tổng quy mô 484 nghìn tỷ đồng, mức giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp từ 0,5%/năm – 2%/năm, đối với khách hàng cá nhân từ 1%/năm – 1,5%/năm.
Từ ngày 11/5/2023, BIDV tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng để hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế với mức giảm từ 0,3%/năm – 0,8%/năm. Đến thời điểm 30/6/2023, dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN tại BIDV khoảng hơn 20 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, ngân hàng này cũng triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 và Văn bản 2308/NHNN-TD của NHNN với quy mô số tiền giải ngân 30.000 tỷ đồng. BIDV là ngân hàng đầu tiên công bố việc phê duyệt cấp tín dụng đối với một dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ vào chương trình.
Ở một đơn vị lớn khác, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank đã chủ động chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, theo đó, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng theo phương châm an toàn, hiệu quả. Ngay từ đầu năm, Vietcombank đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các chi nhánh ở mức xấp xỉ 13%. Đây là một KPI trọng yếu bên cạnh KPI về kiểm soát chất lượng tín dụng.
Cũng theo ông Tùng, trong 6 tháng đầu năm, Vietcombank đã thực hiện 10 đợt giảm lãi suất huy động, 5 đợt giảm lãi suất cho vay cho tất cả các phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Chủ động triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi cho các phân khúc, đối tượng ưu tiên như: Chương trình cho vay ngắn hạn ưu đãi; Chương trình cho vay khách hàng FDI; Chương trình cho vay lãi suất cố định 1-5 năm; Chương trình cho vay sản xuất kinh doanh ưu đãi cho khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh; Chương trình an tâm lãi suất…
“Lũy kế đến hết ngày 30/6/2023, Vietcombank đã giảm gần 1.300 tỷ đồng tiền lãi cho hơn 242.000 lượt khách hàng với dư nợ lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm gần 87% tổng dư nợ của Vietcombank”, Tổng giám đốc Vietcombank nói.
“Nếu so sánh với cuối năm ngoái và đầu năm nay, khi lãi suất huy động toàn hệ thống có lúc lên tới 10% thì đến nay đã giảm. Ngân hàng cũng chấp nhận giảm lợi nhuận của mình. Có những ngân hàng lớn như BIDV… qua việc giảm lãi suất đã giảm lợi nhuận hơn 2.000 tỷ đồng, VPBank đã giảm lãi suất hơn 1.000 tỷ đồng, mức giảm từ 2-3%”, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank chia sẻ.
Ghi nhận từ thị trường cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại đã thực hiện một số giải pháp chính nhằm giảm lãi suất cho vay và tăng tiếp cận tín dụng.
Một là, triển khai nhiều giải pháp để tiết kiệm chi phí hoạt động, quản trị thanh khoản hiệu quả phù hợp với diễn biến của thị trường, tạo dư địa để hạ mặt bằng lãi suất cho vay.
Hai là, rà soát thủ tục cấp tín dụng, đơn giản hóa và áp dụng công nghệ vào quy trình cấp tín dụng, tích cực nghiên cứu phát triển các sản phẩm ứng dụng kỹ thuật số hóa, đặc biệt xây dựng cơ chế cấp tín dụng theo phương thức phương tiện điện tử… Đẩy mạnh dịch chuyển khách hàng lên kênh số, giúp khách hàng thuận tiện trong giao dịch, tiết kiệm chi phí.
Ba là, nhiều ngân hàng nghiên cứu xây dựng cơ chế chương trình riêng cho từng đối tượng khách hàng, triển khai kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 4,73% trong 6 tháng đầu năm 2023, bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước.
CẦN SỰ CHUNG TAY CỦA NHIỀU BỘ, NGÀNH
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank, cho rằng trong thời gian chống chọi với Covid-19, chính sách thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát của nhiều nền kinh tế lớn, chính sách cấm vận, cạnh tranh chiến lược kéo dài đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp, sức cầu cả trong nước và quốc tế giảm thấp, hàng tồn kho tăng cao, quan hệ kinh tế, thương mại suy giảm nghiêm trọng.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi như hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, khó khăn trong trả nợ ngân hàng, dẫn đến nợ xấu gia tăng mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có cơ chế cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
“Agribank đưa rất nhiều giải pháp nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, dù lãi suất cho vay của Agribank đã giảm từ 2-4% tùy theo đối tượng khách hàng. Agribank cũng tổ chức nhiều đoàn công tác làm việc trực tiếp tại các chi nhánh trong toàn hệ thống để đánh giá nguyên nhân, tìm ra giải pháp tăng trưởng tín dụng”, ông Phạm Đức Ấn nói.
Theo ông Ấn, việc tăng trưởng thấp của Agribank vừa do tính chất mùa vụ trong hoạt động nông nghiệp, nhưng bên cạnh đó còn do những nguyên nhân cơ bản: khách hàng không đáp ứng các điều kiện cho vay; có khách hàng vay để đảo nợ tránh nợ xấu tại ngân hàng khác, để cơ cấu lại tài chính, thanh toán trái phiếu đã phát hành nhưng không đáp ứng điều kiện cho vay; khách hàng trong tình trạng hoạt động cầm chừng, không có nhu cầu vay vốn vì không có thị trường tiêu thụ, thậm chí khi có nguồn sẵn sàng trả để giảm dư nợ để chờ thời cơ phục hồi kinh doanh. Chủ tịch Agribank nêu quan điểm, trong điều kiện hiện nay, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt phải khơi thông được giải ngân đầu tư công, qua đó sẽ góp phần tăng nguồn lực cho nền kinh tế, nâng sức cầu trong nước.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 30 – 2023 phát hành ngày 24 – 7 – 2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam